“Cuộc chơi” của các nhà đầu tư ngoại tại Gamuda Gardens

(khoahocdoisong.vn) - Công ty Pegasus và doanh nghiệp KinderWorld vừa thực hiện thương vụ chuyển nhượng dự án “Khu phức hợp giáo dục quốc tế” rộng 2,3ha thuộc KĐT Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây vốn là diện tích đối ứng của dự án BT Nhà máy nước thải Yên Sở (Hà Nội) do Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) là chủ đầu tư.

Chuyển nhượng “nội bộ”

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Pegasus chuyển nhượng dự án “Khu phức hợp giáo dục quốc tế” thuộc Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens quận Hoàng Mai cho Công ty CP KinderWorld Việt Nam. Dự án được quy hoạch xây dựng các khu lớp học phục vụ 1.950 học sinh và công trình phụ trợ, tổng vốn đầu tư khoảng 204 tỷ đồng.

Khu đất thực hiện dự án khu phức hợp giáo dục có diện tích khoảng 2,3ha nằm trong Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens do Công ty TNHH Gamuda land Việt Nam - thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch khoảng 84,27ha.

Năm 2013 Gamuda Land Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Giáo dục KinderWorld (Singapore) để xây dựng công trình giáo dục quốc tế quy mô 2,3ha nằm trong Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens.

Đến năm 2016, dự án này đã được Sở TNMT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận chuyển nhượng cho Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Pegasus. Sự kiện này là mốc đánh dấu quan trọng cho sự hợp tác chuyển giao dự án giáo dục giữa nhà đầu tư Malaysia và Singapore trên nền đất Khu đô thị Gamuda Gardens.

Vậy giữa Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Pegasus - bên chuyển nhượng dự án “Khu phức hợp quốc tế” và Công ty CP KinderWorld Việt Nam - bên nhận chuyển nhượng dự án có mối quan hệ như thế nào? Thực tế, cả 02 doanh nghiệp này đều thuộc cùng một nhóm chủ đến từ Singapore. Và cùng do ông Tan Teck Yong (SN 1954) có quốc tịch Singapore đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Pegasus thành lập năm 2011, có 100% vốn đầu tư từ các cổ đông đến Singapore. Trong đó, Công ty Pegasus Education Group Pte.LTD nắm giữ 30% cổ phần, cá nhân Koh Su Yin Carol Joan nắm giữ 20% cổ phần, còn lại ông Tan Teck Yong nắm giữ 50% cổ phần.

Trong khi đó Công ty CP KinderWorld Việt Nam thành lập năm 2007,  do 04 cổ đông góp vốn thành lập, trong đó có 03 cổ đông đến từ Singapore (gồm: KinderWord International Group LTD, ông Tan Teck Yong, cá nhân Koh Su Yin Carol Joan) và Công ty CP tư vấn và giáo dục quốc tế Việt Nam.

Tại thời điểm đăng ký thay đổi ngày 31/12/2019 Công ty CP Kinderworld Việt Nam đã nâng vốn điều lệ lên 38,808 tỷ đồng. Các cổ đông đến từ Singapore nắm tới 99,8% cổ phần, trong đó Kinderword International Group LTD nắm 99,5%, ông Tan Teck Yong nắm 0,3% cổ phần.

Như vậy có thể thấy cơ cấu cổ đông của 02 doanh nghiệp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng dự án Khu phức hợp giáo dục quốc tế khá tương đồng. Ngoài việc cả ông Tan Teck Yong và cá nhân Koh Su Yin Carol Joan đều là cổ đông sáng lập. Thì các cổ đông “hạt nhân” của các bên chuyển nhượng dự án là Công ty Pegasus Education Group Pte.LTD và KinderWord International Group LTD  đều đăng ký trụ sở chính tại cùng một địa chỉ ở Singapore.

Điều này cho thấy việc chuyển nhượng “Khu phức hợp giáo dục quốc tế” tại Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens chỉ là hoạt động nội bộ của Tập đoàn Giáo dục KinderWorld.

Gamuda Gardens vốn là khu đất đối ứng của dự án BT Nhà máy nước thải Yên Sở.

Gamuda Gardens vốn là khu đất đối ứng của dự án BT Nhà máy nước thải Yên Sở.

Nguồn đất từ dự án BT

Ngoài “Khu phức hợp giáo dục quốc tế” diện tích khoảng 2,3ha, theo quy hoạch năm 2010, Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens còn có tới 50ha cho đất chức năng đơn vị ở với biệt thự, nhà vườn, nhà ở cao tầng, còn lại là đất công cộng thành phố, trường học, hạ tầng kỹ thuật...

Tập đoàn Gamuda Berhad vốn là nhà đầu tư thực hiện dự án Công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày/đêm cho Thủ đô Hà Nội.

Công viên Yên Sở đã chính thức mở cửa vào tháng 4/2014 và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cũng đã chính thức được vận hành từ tháng 8/2013.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở ban đầu là một hạng mục của Công viên Yên Sở, sau đó được tách riêng ra đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad có tổng mức đầu tư lên tới hơn 319,2 triệu USD, khởi công từ đầu năm 2009.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã được cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán nhiều lần và phát hiện có nhiều sai phạm.

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện các chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn xây dựng, chi phí khác và chi phí quyết toán giai đoạn 2 của dự án, chi phí giải phóng mặt bằng đều có sự chênh lệch lớn so với số liệu báo cáo của chủ đầu tư, với số chênh lệch lên tới 147,8 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chi phí xây dựng cao hơn nhiều so với số liệu sau kiểm toán là do tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc và sai đơn giá nguyên vật liệu.

Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu Gamuda Berhad nộp trả ngân sách nhà nước số tiền chênh lệch giữa giá trị quyết toán hợp đồng BT với số tiền sử dụng đất phải nộp lên tới hơn 22,1 triệu USD, tương đương 484,2 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 31/12/2015. Hoặc thu hồi diện tích đất có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng, hoặc cả 2 hình thức. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có trách nhiệm đôn đốc thu nộp số tiền trên tránh thất thoát ngân sách, tài sản công.

Hay trước đó vào năm 2012 dự án này cũng đã được Bộ KHĐT thanh tra và phát hiện sai phạm tại đây lên tới 67 triệu USD. Trong đó, công trình bị “đội giá” lên đến 20% tổng mức đầu tư thông qua việc tính đơn giá tổng hợp nhiều hạng mục của dự án trùng lặp, toàn bộ các hạng mục phần xây lắp đều được tính thêm 5% công việc khác mà thực tế chi phí này đã có trong mục dự phòng của tổng mức đầu tư; tính lặp yếu tố trượt giá làm tăng giá trị công trình...

Việc tính sai chi phí, khối lượng, đơn giá... dẫn đến việc “đội giá” công trình BT đồng nghĩa với việc “đội” quỹ đất đối ứng. Nên biết, “Khu phức hợp giáo dục quốc tế” nằm trong Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens. Mà Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens quy hoạch năm 2010 có diện tích lên đến trên 84,27ha, đây chính là khu đất đối ứng mà UBND TP Hà Nội giao Tập đoàn Gamuda Berhad thực hiện để hoàn vốn cho dự án BT Nhà máy nước thải Yên Sở.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top