Ngoài ra, cứ 10 phụ nữ có 1 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình ( người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).
Theo Báo cáo Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Việt Nam năm 2019, hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. |
Đó là vài con số trong Báo cáo Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Việt Nam năm 2019. Điều tra được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Điều tra đã phỏng vấn gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 và kết quả, ở Việt Nam, hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. Ước tính bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 1,8% GDP năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, thay đổi tích cực đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn ở nhóm có trình độ học vấn cao. Học vấn giúp phụ nữ tự tin, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực”.
Mỗi số liệu trong báo cáo phản ánh những trải nghiệm về bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam khi ở nhà, ở công sở hay nơi công cộng (Ảnh minh họa). |
Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi mà UNFPA cam kết đạt được trên toàn cầu. Nếu không giải quyết vấn đề này, Việt Nam không có cách nào đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030 và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định: “Chúng ta nhận thức rõ hơn có bao nhiêu số phận đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực, cưỡng bức và quấy rối. Mỗi số liệu trong báo cáo phản ánh những trải nghiệm về bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam khi ở nhà, ở công sở hay nơi công cộng. Báo cáo này là bằng chứng cho thấy chúng ta lắng nghe những phụ nữ đã trải qua bạo lực, chúng ta tin tưởng họ và chúng ta cần phải hành động”.
Bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Hành vi này có thể được ngăn chặn và chúng ta cần hành động ngay. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do chồng gây ra, nhiều khả năng mẹ của người chồng đã từng bị đánh hoặc bản thân người chồng đã bị đánh đập khi còn nhỏ.
Theo các chuyên gia, cho dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào hay ai bị ảnh hưởng đều phải được ngăn chặn, để xây dựng một thế giới mà ở đó nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, không có bạo lực.