Công ty ô tô Việt Nhật xây dựng nhà máy không phép?!
Đoàn Khang
Dù chưa có giấy phép xây dựng, nhưng Công ty CP ô tô Việt Nhật vẫn ngang nhiên xây dựng nhiều hạng mục trên khu đất gần 6,7ha ở xã Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên.
chia sẻ
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 11/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho Công ty CP ô tô Việt Nhật (gọi tắt Công ty Việt Nhật; trụ sở tại thôn Vĩnh Lộc, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang) thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật tại xã Tân Tiến.
Dự án được xây dựng trên khu đất 69.796 m2, với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm sản xuất, lắp ráp các loại xe tải từ 5 tạ - 5 tấn, quy mô 10.000 xe/năm.
Toàn cảnh công trình nhà xưởng xây trái phép tại khu đất thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật.
Xây dựng nhà máy không phép
Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, từ giữa năm 2022, dù chưa có giấy phép xây dựng và các thủ tục pháp lý khác nhưng chủ đầu tư là Công ty Việt Nhật vẫn ngang nhiên cho xây dựng nhiều hạng mục trái phép bên trong khu đất dự án. Đến khi chính quyền địa phương phát hiện ra sai phạm, bên trong khu đất thực hiện dự án đã xuất hiện 2 khối nhà xưởng cao 3 tầng.
Trao đổi với Khoa học và Đời sống về sự việc, ông Hoàng Trọng Phận - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, đất thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật đã bàn giao cho chủ đầu tư từ năm 2008. Hiện nay, chủ đầu tư đang thiếu giấy phép xây dựng.
Thời điểm phát hiện ra việc xây dựng nhà xưởng trái phép, UBND xã đã lập biên bản, đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, yêu cầu chủ đầu tư phải dừng lại, khi nào đầy đủ giấy phép thì mới tiếp tục được xây dựng.
“Chủ đầu tư vẫn lén lút xây dựng trộm…”, ông Phận khẳng định và cho hay, chính quyền xã sau đó đã làm biển thông báo công trình vi phạm, dựng rào, lập chốt barie, đổ đất cấm công nhân ra vào, thậm chí là tịch thu cả máy phát điện của chủ đầu tư phục vụ cho xây dựng.
Nhiều hạng mục công trình xây dựng gần như đã xong.
Nói thêm về sự việc, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, sau nhiều lần giám sát, kiểm tra công trình xây trái phép, xã cũng có báo cáo, tham mưu với UBND huyện Văn Giang để đưa ra hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, từ tháng 7/2022, trước hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư tại dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật, chính quyền xã Tân Tiến đã lập nhiều biên bản vi phạm. Nhưng không hiểu vì sao, công trình không phép nói trên vẫn “vươn” cao một cách lạ thường?
Văn bản báo cáo sự việc lên UBND huyện Văn Giang của UBND xã Tân Tiến.
Ghi nhận của phóng viên ngày 9/2/2023 cho thấy, bên trong khu đất thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật vẫn có nhân làm việc, máy cẩu đang vận hành, ô tô chở các vật liệu vẫn ra vào.
Nhiều hạng mục công trình xây dựng gần như đã xong, gồm: 2 khối nhà 3 tầng, diện tích cả nghìn m2 đã đổ bê tông, chồng mộc; 1 khối nhà đã lắp ráp khung chờ kính; 1 nhà để xe 3 tầng đã sơn phủ mặt ngoài.
Máy móc hoạt động, công nhân xuất hiện bên trong công trình xây dựng trái phép.
Tại hiện trường, chốt barie ngăn chặn, biển thông báo công trình vi phạm ở bên ngoài đã được dỡ hẳn sang một bên.
Trả lời thắc mắc của PV tại sao công trình đang vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mà công trường vẫn có công nhân làm việc, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến khẳng định, nhóm công nhân này chỉ vào thu dọn, chứ không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào. Còn barie ngăn chặn là xã thống nhất với huyện mở ra.
Chốt barie ngăn chặn, biển thông báo công trình vi phạm ở bên ngoài đã được dỡ sang một bên.
Trước sự việc xảy ra, câu hỏi mà dư luận đặt ra ở đây là: Vì sao ngay từ khi dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật manh nha xây dựng trái phép chính quyền xã Tân Tiến không phát hiện ra? Đến khi công trình xây dựng gần như đã xong 2 khối nhà 3 tầng thì xã mới đưa ra các biện pháp ngăn chặn? Có hay không chính quyền xã Tân Tiến buông lỏng quản lý, giám sát trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn nên mới xảy ra sai phạm như vậy?
Dự án bất ngờ được chuyển đổi mục đích
Trong khi dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật đang “ồn ào” về việc chưa có giấy phép xây dựng đã thi công trái phép, thì ngày 9/12/2022, UBND tỉnh Hưng Yên lại có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với tên và lĩnh vực dự án khác của dự án là: Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện, sản phẩm gia dụng Việt Nhật, tổng quy mô vốn đầu tư lên gần 500 tỷ đồng.
Tiếp đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện, sản phẩm gia dụng Việt Nhật.
Dự án với tên mới này có công suất thiết kế 100.000 xe máy điện/năm; 115.000 sản phẩm điện lạnh/năm; 64.000 sản phẩm bình nước nóng/năm; 646.000 sản phẩm máy lọc nước/năm; 8.000 sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời/năm.
Trụ sở UBND xã Tân Tiến.
Thông tin thêm với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho hay, sau Tết Nguyên đán 2023, các Sở ngành liên quan của tỉnh Hưng Yên đã về mời Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã; chủ đầu tư lên UBND huyện để cùng làm việc về các vấn đề liên quan đến dự án.
“Vừa rồi họ chậm giấy phép xây dựng là do chuyển đổi mục đích từ nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện...”, ông Tấn thông tin.
Mời độc giả xem video: Nhiều hạng mục công trình xây dựng trái phép của Công ty Việt Nhật:
Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin liên quan, ngày 9/2/2023, PV đã liên hệ với Công ty CP ô tô Việt Nhật qua các số điện thoại xuất hiện trong phần đăng ký thông tin doanh nghiệp trên mạng (0913342xxx/0906256xxx). Khi đầu dây bên kia nghe máy thì nói rằng “nhầm số”.
Việc dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật xây dựng khi chưa hoàn thiện giấy phép sẽ bị xử lý như thế nào? Vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương ra sao? Các quy trình thủ tục pháp luật khi công ty thực hiện chuyển đổi có đảm bảo đúng trình tự và quy định? Những câu hỏi này Báo Tri thức và Cuộc sống xin phản ánh đến cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm và thông tin rộng rãi trước công luận.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Năm 2009, UBND tỉnh Hưng yên đã thu hồi đất tại xã Tân Tiến để thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật. Đến ngày 21/3/2018, UBND tỉnh Hưng Yên mới có quyết định cho Công ty CP ô tô Việt Nhật thuê đất để thực hiện dự án.
Ngày 24/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên ký hợp đồng thuê đất với Công ty CP ô tô Việt Nhật. Nội dung hợp đồng cho doanh nghiệp này thuê 69.796 m2, thời gian thuê đất tính từ ngày 21/3/2018 đến 26/12/2057.
Theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt đối với tổ chức có hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng như sau:
Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi vi phạm.
Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ so với tổ chức.
Như vậy, tổ chức có hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng trong hạng mục bắt buộc phải có giấy phép thì có thể bị phạt tiền lên đến 140 triệu đồng.
Sau gần một tháng tranh tài, 120 đội thi xuất sắc nhất cả nước chính thức được lựa chọn để bước vào vòng thi trực tiếp - vòng đối đầu của Cuộc thi hùng biện – tranh biện Tiếng nói Xanh mùa 2.
Trong danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 3 tháng được BHXH TP HCM công bố mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thành Đô bị nhắc tên với số tiền không nhỏ.
Agribank vinh dự là đại diện ngân hàng duy nhất nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022 và 2023 do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
TPBank mang đến cho hàng trăm nghìn các shop kinh doanh cơ hội vay vốn ưu đãi lên tới 1 tỷ đồng với lãi suất 0%, cùng quyền lợi truyền thông “triệu view” miễn phí và hàng loạt phần thưởng tiền mặt khi tham gia CLB.
CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai bị xử phạt 92,5 triệu đồn vì hành vi vi phạm công bố thông tin, trong đó có công bố thông tin sai lệch về lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao tính bảo mật và an toàn trong giao dịch thẻ, SHB sẽ hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ công nghệ chip đạt chuẩn VCCS với chi phí “0 đồng”.
Kết thúc quý III/2024, Vina2 ghi nhận doanh thu đạt gần 323 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đang có 22 tháng chậm đóng BHXH với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.