Công nghiệp ô tô đón làn sóng dịch chuyển đầu tư thế nào?

Gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam và đang chờ tín hiệu từ các cơ quan quản lý.
 

Công nghiệp ô tô đón làn sóng dịch chuyển đầu tư thế nào? ảnh 1

​Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện đề án “Giải pháp đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19 đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Liệu mục tiêu này có dễ dàng thực hiện hay không?

Xây dựng hệ sinh thái

Dự thảo đề án cho biết, gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam và đang chờ tín hiệu từ các cơ quan quản lý.

Đây là cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trước ngưỡng cửa nước ta bước vào giai đoạn ô tô hóa. Vì vậy, việc xây dựng một hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô là cần thiết.

Sau khi đánh giá những thách thức sau đại dịch Covid-19 như: Quy mô thị trường còn nhỏ, thị trường nói chung đang suy giảm, các đối thủ cạnh tranh trong khu vực (Thái Lan, Indonesia…) và sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất ô tô… đề án cũng chỉ ra những cơ hội lớn như xu thế dịch chuyển sản xuất sau đại dịch, xu hướng phổ cập hóa ô tô tại Việt Nam được đẩy nhanh…

Từ đó, đề án đặt mục tiêu vào việc thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu.

Đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa (năm 2030 là 70%); chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (năm 2030 là 14%); có khoảng 1.000 doanh nghiệp (năm 2030 là 2.000 doanh nghiệp) đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Giải pháp để thực hiện sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp gồm: Phát triển lành mạnh thị trường ô tô; duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, công nghiệp ô tô chỉ có thể phát triển khi có thị trường và cơ hội thị trường đó phải dành cho các nhà sản xuất trong nước chứ không phải cho xe nhập khẩu.

Để làm việc này, cần tạo ra thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, đồng thời tăng cường phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe.

Đặc biệt, xem xét khả năng áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến.

Trước mắt các chính sách cần có tính đồng bộ, dài hạn để doanh nghiệp có thể dự đoán trước, không tạo ra những cú sốc chính sách.

Mục tiêu có dễ dàng thực hiện?

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, để tận dụng làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn hậu Covid-19, phải chớp cơ hội để hình thành doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường, đặc biệt tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nào sản xuất được các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động thì mới có hệ sinh thái ô tô đúng nghĩa.

“Thu hút hãng xe nước ngoài vào để lắp ráp ô tô lúc này là khó khăn chứ không đơn giản. Minh chứng là 6 tháng qua, hầu hết các hãng xe đều tái cơ cấu theo hướng thu hẹp sản xuất. Bởi vậy chỉ còn dư địa để thu hút FDI từ các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng, đồng thời kích thích nhà đầu tư nội địa đầu tư vào ô tô”, ông Đồng nêu quan điểm.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Giả định rằng các nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực này sẽ là các nhà sản xuất phụ tùng linh kiện cấp 1 (cấp cao nhất, đáp ứng tiêu chuẩn của hãng), thì cái mà chúng ta cần chuẩn bị sẵn chính là danh sách các nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 đạt yêu cầu để họ có thể triển khai sản xuất ngay. Ngoài ra chính sách thuế và tín dụng cũng quan trọng, nhưng quy mô thị trường và hạ tầng sản xuất mới là mối quan tâm hàng đầu của các nhà cung cấp phụ tùng linh kiện ô tô”.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, với việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc + 1” sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng mới của thế giới. Qua đó, sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư (về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị).

Cũng theo một nghiên cứu mới đây của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một số lĩnh vực, trong đó có ngành sản xuất phụ tùng ô tô.

Tính đến hết năm 2019, trong nước có 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 500.000 xe/năm. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.

Theo xe.baogiaothong.vn
Pagani Huayra Codalunga "sặc mùi" hàng hiệu

Pagani Huayra Codalunga "sặc mùi" hàng hiệu

Chiếc siêu xe hypercar Pagani Huayra màu xanh ngọc lam là phiên bản thứ 2 của sự hợp tác giữa Pagani và Hermes. Nội thất Huayra Codalunga này được hoàn thiện bởi thương hiệu Hermes.
Jaguar "hồi sinh" E-Type sau 50 năm

Jaguar "hồi sinh" E-Type sau 50 năm

Quả thật tiền nhiều có thể mua được mọi thứ, kể cả là mẫu xe Jaguar E-Type sau 50 năm dừng sản xuất cũng được hãng xe Anh quốc làm sống dậy, sau yêu cầu của 1 khách hàng siêu VIP ở Đông Nam Á.
back to top