Hội thảo công bố 'Kết quả báo cáo đánh giá tác động Thuế tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thỏa thuận thuế suất' do Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp tổ chức.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia; bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển chủ trì hội thảo.
Nhiệm vụ quan trọng, vấn đề nóng
Phát biểu khai mạc, TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết, thời gian qua công tác tư vấn và phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp Hội Việt Nam đứng ra chủ trì đã tập hợp được các nhà khoa học, các hội thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, góp ý và tư vấn hàng trăm văn bản quan trọng của Nhà nước, của Đảng, Chính phủ, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân đánh giá cao và ghi nhận.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Trong Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam và 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, trí thức, đặc biệt là trí thức trong Liên hiệp Hội Việt Nam phải chủ động hơn nữa trong các hoạt động, làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước. Hội thảo hôm nay cũng là một hoạt động nhằm cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
Nội dung của Hội thảo liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đây là một nhiệm vụ quan trọng, là vấn đề nóng của các diễn đàn kinh doanh tại Việt Nam.
“Vì thế, tôi hoan nghênh Ban lãnh đạo Viện Quản trị chính sách và chiến lược. Dù mới được thành lập, nhưng đã chủ động sáng kiến tham mưu cho Chính phủ về đánh giá tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu và khuyến nghị cho chính sách Việt Nam”, TSKH. Phan Xuân Dũng cho hay.
Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật
Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, theo thống kê, hiện có 1.100 doanh nghiệp là công ty con của các Tập đoàn đa quốc gia (MNEs) có doanh thu hơn 750 triệu Euro trên toàn cầu.
Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển (Liên hiệp Hội Việt Nam). |
Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn... Vì thế, thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%.
Thuế suất doanh nghiệp được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế doanh nghiệp được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính. Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bà Nga cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn. Thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng, và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang ủng hộ, và cam kết thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu theo đúng lộ trình.
“Thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực từ 1//2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật và thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu”, Bà Nga nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực dự báo, phòng ngừa khủng hoảng chính sách
Viện trưởng Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển khuyến nghị, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tham khảo ý kiến tư vấn của OECD và các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài lớn. Bên cạnh đó, cần xây dựng đề án về thuế suất tối thiểu toàn cầu trong quý III/2023.
Hội thảo có sự hiện diện của nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ các doanh nghiệp. |
Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Việc ban hành chính sách hoặc cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp và không vi phạm các cam kết quốc tế Việt Nam đang tham gia.
Việt Nam cũng cần tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại Việt Nam. Điều này nhằm nâng cao năng lực dự báo và phòng ngừa các khủng hoảng chính sách có thể xuất hiện khi thay đổi về thuế. Phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý.
Đồng thời, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thuế suất tối thiểu toàn cầu nên đẩy nhanh đánh giá tác động và nghiên cứu; xây dựng khung pháp lý nội luật liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.
Bà Nguyễn Thy Nga cho hay, trong bối cảnh áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu chỉ còn 7 tháng, ngay lập tức, Việt Nam cần liên kết các chương trình đối thoại đơn phương và song phương, thể hiện vai trò kết nối các nước khối ASEAN tạo môi trường đầu tư, kinh doanh chung của khối để cạnh tranh với các đối thủ ngoài khối trong thu hút đầu tư nước ngoài, việc nhanh chóng thúc đẩy nội luật thuế suất tối thiểu toàn cầu tại các nước ASEAN tạo cơ hội xóa bỏ cạnh tranh riêng lẻ giữa các quốc gia thành viên về thuế, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và các nước khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỷ niệm 40 năm Vusta: