Nhiệt độ trung bình năm nay tăng
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 11 và tuần đầu tháng 12 đã xuất hiện 08 đợt không khí lạnh. Trong đó, đáng lưu ý nhất là đợt không khí lạnh tăng cường ngày 07/12, gây ra một đợt rét đậm diện rộng với nhiệt độ trung bình ngày phổ biến từ 12-15 độ C, vùng núi cao 3,0-6,0 độ C, riêng khu vực Sìn Hồ (Lai Châu) trong hai ngày 07, 08/12 liên tiếp duy trì nhiệt độ là -1,1 độ C và -2,4 độ C và đã xuất hiện băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, vùng núi phía Tây các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong 10 ngày đầu tháng 12/2019, nhiệt độ phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 1,0-2,0 độ C, riêng một số nơi thuộc Tây Bắc, Hòa Bình và Thanh Hóa-Nghệ An thấp hơn từ 2,0-3,0 độ C.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020 ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Theo dự báo, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5-1,5 độ C, riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ tháng 01/2020 ở mức xấp xỉ trên so với TBNN. Rét đậm tập trung chủ yếu trong tháng 01 và tháng 02/2020 với khoảng 3-5 đợt rét đậm nhưng không kéo dài; trong thời gian này đề phòng khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Nhiều khả năng rét đậm sẽ rơi vào dịp Tết Nguyên đán, song tính chất của các đợt rét này là ngắn ngày cường độ không quá mạnh.
Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan
Từ tháng 01-6/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều vào các tháng đầu năm 2020, cụ thể như: Lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20-40%; Lưu vực sông Thao thiếu hụt từ 20-50%; Lưu vực sông Lô- Gâm- Chảy thiếu hụt từ 10-20%, riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt từ từ 30-80%;Hạ lưu lưu vực sông Hồng thiếu hụt từ 20-30%, riêng tháng 01-02 xấp xỉ TBNN do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 02 hoặc tháng 3 năm 2020. Mùa khô năm 2020, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc và Đông Bắc.
Mực nước thượng lưu sông Mê Kông xuống dần và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn TBNN từ 20-45%, các tháng cuối mùa ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 15-20% so với TBNN. Từ nửa cuối tháng 12/2019 đến tháng 02/2020, sẽ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm, sâu hơn và gay gắt hơn so với TBNN, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016. Từ tháng 3-6/2020, xu thế xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.
Các tỉnh ở Đồng bằng Nam Bộ cần xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với diễn biến thực tế trong thời gian tới. Đặc biệt là các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang. Sóng lớn trong các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh, kéo dài vào đầu năm 2020 cao 2-3m tại vùng ven bờ và 4-5m trên vùng biển ngoài khơi Bắc và Giữa Biển Đông. Ven biển Trung Bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường cao vào các ngày 10-13/01/2020. Tại ven biển Nam Bộ, đợt triều cường cao trong tháng đầu năm xuất hiện vào các ngày từ 09-12/01/2020. Hiện tượng sạt lở bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa mạnh.
Bảo Khánh