LS Lê Đức Tiết
Có tài thì không phải bàn
Dư luận đang rất quan tâm câu chuyện ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, mới 25 tuổi đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Dầu khí (PVFI), sau đó, 28 tuổi thì được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức phó tổng giám đốc. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?
Qua theo dõi trên báo chí thì tôi thấy cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Nếu đưa ra lý do để bổ nhiệm là người đó giỏi tiếng anh, học thạc sỹ ở nước ngoài về thì cũng hơi buồn cười.
Rồi thông tin rằng đây không phải là yêu cầu của nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mà do chính Sabeco xin người về, thì đó cũng lại là một câu chuyện.
Tôi nghe thế thì cũng chỉ biết thế, nhưng thiết nghĩ, vấn đề bổ nhiệm cán bộ không phải là vấn đề giữa các cá nhân với nhau mà phải là chuyện của tập thể, của quần chúng tín nhiệm.
Chứ không phải là bổ nhiệm chỉ vì là người quen, là con cháu của một ai đó?
Đúng, không thể bổ nhiệm vì người này là con của ông này, cháu của bà kia. Người Việt Nam mình có tâm lý “cha truyền con nối”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “con vua thì lại làm vua”…
Ở góc độ nào đó thì điều này cũng tốt thôi. Con cháu của cán bộ mà có tài năng thì tốt quá, nhưng chỉ sợ là thăng tiến, dùng ảnh hưởng của cha mẹ, người thân quen để đi lên.
Giống như có trường hợp một cán bộ cao cấp trước đây đưa con mình vào làm bí thư một địa phương, rồi con mình lại chẳng làm được việc gì, không được quần chúng tín nhiệm thì cũng không thể lên cao được.
Phải chăng công tác cán bộ của ta đang có bất cập?
Cán bộ làm việc, được bổ nhiệm phải qua sát hạch, tuyển chọn, cọ xát thực tế. Dù có bằng cấp nhưng không qua tuyển chọn, sát hạch một cách công khai mà do cá nhân “dấm dúi” với nhau thì không ổn. Đáng buồn là thực tế lại có chuyện đó, nhưng vì không ai biết rõ việc ấy như thế nào nên cũng khó để phê phán xem ai đúng ai sai.
Đứng ở vị trí của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì dù Sabeco có xin con trai mình về, có lẽ cũng nên cân nhắc?
Thế nên tôi mới nói, nếu “hổ phụ sinh hổ tử”, con cái các vị lãnh đạo mà có tài mà được giới thiệu vào làm các vị trí đó thì tốt quá, nhưng nó phải bằng con đường chính danh, công khai, minh bạch và do tập thể bầu nên chứ không phải là do cá nhân, do được “chỉ đạo” đẻ bổ nhiệm.
Nếu không là con của bộ trưởng
Nhiều người phản ứng khá quyết liệt với phát ngôn của Sabeco nguyên nhân xin ông Vũ Quang Hải là vì trẻ, giỏi tiếng Anh và có kinh nghiệm làm doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?
Đúng là người ta có quyền đặt câu hỏi rằng giả sử không phải là con trai của người đó, thì có được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng như vậy không? Những người đảm bảo các tiêu chí đó đâu phải là ít, thế thì người được bổ nhiệm có gì “kiệt xuất” không. Nếu không phải là con của bộ trưởng thì sao?
Nhưng thực ra nói như thế cũng chưa hoàn toàn đúng hay sai. Công chức hiện nay có bằng cấp, có kinh nghiệm chỉ là một điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ là phải qua cọ xát thực tế, qua tín nhiệm quần chúng và tập thể bầu lên.
Thế thì dường như ông Vũ Quang Hải chưa có các yếu tố đó?
Tôi nghĩ cái này do các cơ quan chức năng xem xét để quyết định bổ nhiệm. Đường lối cán bộ của chúng ta thế nào đã được Đảng chỉ rất rõ rồi, điều kiện cần và đủ thế nào, có tín nhiệm, có sát hạch chưa chứ không phải là bổ nhiệm dựa trên quen biết cá nhân, qua hồ sơ, qua mối quan hệ thân bằng cố hữu với ai đó.
Đây chắc hẳn không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam?
Thực ta tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào tâm lý rồi, biểu hiện quá rõ ràng rồi. Mới có chuyện ngay ở Hà Nội mà cán bộ cất nhắt hết cả con trai, con gái, con dâu, cháu chắt vào làm trong chính quyền.
Trong xã hội xưa kia, trong một làng thường là họ hàng với nhau cả, nên tâm lý này cũng có điều kiện lịch sử. Ta không phủ nhận tâm lý đó được, vấn đề khi bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ, là người quen cũng được, trong họ cũng được, con trai, con gái, con dâu cũng được, nhưng phải là người có tài, được tín nhiệm, giúp ích cho dân, được bầu công khai, minh bạch, thậm chí là thi cử, chấm điểm hẳn hoi. Thế thì chẳng ai kêu được.
Làm cán bộ không dễ
Nếu ai cũng thực hiện đúng quy trình cán bộ thì chắc không có gì để suy nghĩ?
Nếu như thế thì đất nước mình đã không bị tụt hậu rồi.
Hệ quả của tư duy “con vua thì lại làm vua” sẽ thế nào?
Nó làm cho những người có tài năng thực sự cảm thấy chán nản, không có động lực phấn đấu, gia tăng sự bất công trong xã hội, đẩy lùi sự phát triển. Nhưng ở góc độ khác, nó cũng tạo nên áp lực với những người mà có cha chú, người thân quen làm cán bộ, được nâng đỡ.
Nếu không tự mình cố gắng trau dồi, làm cho tốt công việc đảm nhận thì sẽ bị dư luận phản ứng. Nếu không được người dân ủng hộ thì sẽ rất khó để có thể phát triển lên cao hơn.
Có người khuyên ông Vũ Quang Hải nên từ chức ở Sabeco để giữ yên danh tiếng cho nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và cho mình, ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ nếu việc bổ nhiệm là đúng quy trình, khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành công ty tốt thì anh Vũ Quang Hải vẫn có thể đảm nhiệm công việc của mình mà không cần phải quan tâm đến những điều tiếng khác.
Ngược lại, nếu năng lực chưa đủ, cần phải trau dồi thêm thì có thể xin tạm thời không lãnh đạo, có thời gian học hỏi đã. Các cơ quan chức năng chắc hẳn cũng sẽ có những quyết định đúng đắn trong việc này.
Theo ông thì bài học rút ra trong câu chuyện này là gì?
Làm cán bộ không dễ, nhất là cán bộ đảm nhiệm những vị trí quan trọng. Ở vị trí của nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, có lẽ cũng nên rút kinh nghiệm trong việc này. Dù không chỉ đạo, không đề đạt việc bổ nhiệm đó, nhưng cũng phải hiểu lý do vì sao người ta lại bổ nhiệm con mình, nếu không có sức ảnh hưởng của mình thì sẽ thế nào.
Tôi nghĩ nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không sai, nhưng có thể đó là bài học để các cán bộ khác nhìn vào, rút kinh nghiệm trong những việc tương tự.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 13/6/2016, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có thư gửi đến nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa về nhân sự tại Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Theo đó, ngày 4/2/2015, ông Vũ Quang Hải khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức phó tổng giám đốc. Quyết định điều động do Thứ trưởng Thoa ký thay Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ông Vũ Quang Hải sinh năm 1986, là con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Theo VAFI, trước khi về Sabeco, năm 2011, ông Hải từng làm tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Dầu khí (PVFI), có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Dưới sự “chèo lái” của thuyền trưởng Vũ Quang Hải, năm 2011 PVFI đã lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ tiếp 67 tỉ đồng. “.
Tô Hội (thực hiện)