Đi tìm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thiên văn học đã có nhiều thành tựu đáng kể trong nghiên cứu vũ trụ. Một trong những mũi nhọn được quan tâm nhất là việc tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời và khả năng tồn tại sự sống ở những nơi đó.
Trái Đất của chúng ta là một hành tinh có quỹ đạo chuyển động quanh Mặt Trời - một ngôi sao nằm trên dãy chính của biểu đồ quang phổ. Bản thân Mặt Trời chỉ là một trong số ít nhất là 100 tỷ sao của một thiên hà có tên là Milky Way. Và theo ước tính tương đối chính xác của các nhà khoa học cho tới thời điểm này thì số thiên hà trong vùng vũ trụ nhìn thấy của chúng ta là không dưới 2 nghìn tỷ. Điều đó đồng nghĩa với số lượng các hành tinh trong vũ trụ là một con số khổng lồ. Rất nhiều trong số đó là các hành tinh khí khổng lồ và không thể sống được - như 4 hành tinh nhóm ngoài của Hệ Mặt Trời (từ Sao Mộc đến Sao Hải Vương), còn lại là các hành tinh đá như Trái Đất.
Nhiều hành tinh đá nằm quá gần hoặc quá xa ngôi sao của nó, khiến sự sống nếu có xuất hiện cũng lập tức bị thiêu cháy hoặc đóng băng. Chỉ những hành tinh có khoảng cách vừa đủ để nước - dung môi không thể thiếu của sự sống sinh học - tồn tại ở thể lỏng. Giới hạn khoảng cách phù hợp đó được các nhà khoa học gọi là "vùng sống được". Nhưng ngay cả một hành tinh đá nằm trong vùng sống được cũng có thể có một bầu khí quyển độc hại như Sao Kim hay thậm chí có thể không có khí quyển, hoặc đơn giản hơn nữa là vì một lý do nào đó mà tốc độ tự quay quá chậm hoặc quá nhanh cũng khiến sự sống khó mà tồn tại được. Rõ ràng, khả năng để một hành tinh nào đó có thể phù hợp cho sự sống là rất nhỏ.
Để hiểu thêm về Trái Đất
Năm 1995, hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời (còn gọi là ngoại hành tinh - exoplanet) đầu tiên được phát hiện. Việc đó đã mở ra cả một kỷ nguyên mới, một hướng đi mới trong thiên văn học. Cho tới đầu tháng 1/2019, đã có gần 4.000 ngoại hành tinh được xác nhận trong gần 3.000 hệ khác nhau. Mỗi hệ đó gồm 1 hoặc hơn 1 hành tinh có quỹ đạo chuyển động quanh ngôi sao (hoặc cặp sao) trung tâm, giống như Hệ Mặt Trời của chúng ta. Một phần không quá nhỏ trong đó là các hành tinh có kích thước gần giống Trái Đất chuyển động quanh một sao dạng Mặt Trời. Dù vậy, vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào của sự sống ngoài Hệ Mặt Trời.
Nhiều người thường cho rằng chúng ta đang tìm một điểm đến để con người sẽ tới trong tương lai gần. Tuy nhiên, cần biết rằng, tàu không gian nhanh nhất chúng ta từng chế tạo được là Voyager 1 đã mất tới 40 năm để đi quãng đường mà ánh sáng chỉ đi trong khoảng... gần 20 giờ. Còn hệ hành tinh gần nhất đã cách chúng ta 4 năm ánh sáng.
Ngoài ra, việc quan sát các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời còn cho biết thêm về chính quá khứ và chuẩn bị cho tương lai của hành tinh chúng ta đang sống. Vì các định luật vật lý là phổ quát, các hành tinh tương tự trong những hệ tương tự cần phải có cách ra đời tương tự như Trái Đất. Và bởi các hệ hành tinh không ra đời đồng thời, khi quan sát chúng, ta sẽ biết thêm về cách mà Trái Đất đã ra đời cũng như những khả năng cho sự kết thúc của nó.