Chuẩn bị kịch bản di dân
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam đang lên kịch bản chống tràn đê, phân lũ, sơ tán dân ở khu vực miền Bắc, nếu Trung Quốc tăng lượng xả lũ. Lý do hiện nhiều nước gần Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar có mưa lũ rất lớn. Nếu xảy ra mưa lớn ở thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến hạ lưu ở Việt Nam. Khi mưa lũ vượt tần suất đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, sẽ có phương án chống tràn đê, phân lũ ra sao, sơ tán dân ở vùng phân lũ thế nào. Nếu có tình huống phải sơ tán dân, cần đảm bảo an toàn về dịch bệnh cho người dân, kể cả lực lượng tham gia phòng chống dịch.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, nếu Trung Quốc đồng loạt xả lũ thì khả năng ngập ở nhiều vùng của Việt Nam là rất cao. Thượng nguồn sông Hồng có rất nhiều thủy điện lớn của Trung Quốc. Khi xảy ra mưa lớn, họ cũng có nhu cầu cần phải xả lũ để giữ an toàn cho công trình này. Kịch bản sơ tán người dân những nơi có nguy cơ cao ngập úng phải tính đến.
Phía thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc đang được coi là “nắm giữ” một trữ lượng nước tích chứa không nhỏ. Với các số lượng thủy điện, đập và hồ chứa của mình, ước chừng Trung Quốc đang tích chứa khoảng 49% tổng số lượng nước sông Hồng. Ngoài 2 nhà máy thủy điện lớn là Namsa và Mađusan thì họ còn có 20 đập chứa lớn nhỏ khác nhau. Ngoài sông Hồng, trên sông Lô và sông Gâm, phía thượng nguồn Trung Quốc còn có tới 8 hồ chứa với tổng công suất lắp máy khoảng 2.300MW. Với việc tích chứa này, nếu đột ngột xả nước sẽ gây nguy hiểm cho các hồ chứa và tạo áp lực cho dòng chảy các sông Việt Nam.
Nhìn màu nước để dự đoán lũ
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, đã có nhiều bài học cho thấy cần có sự hợp tác về nước trên các lưu vực sông. Giống như sông Mê Kông, sông Hồng chảy qua nhiều quốc gia, trong đó 49% lưu vực nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, lại là vùng thượng lưu nên mỗi hành động can thiệp trên con sông này có thể gây ảnh hưởng cho các quốc gia phía hạ nguồn. Ở sông Mê Kông có riêng một ủy ban hợp tác giữa các quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó có việc xả lũ, phòng chống thiên tai còn sông Hồng thì không có. Trong rất nhiều các quy định luật lệ, hiệp định quốc tế về nước, Trung Quốc không tham gia nên rất khó yêu cầu, ràng buộc về trách nhiệm quốc tế.
Theo GS Vũ Trọng Hồng, muốn biết mưa lũ ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, ngoài việc theo dõi chiều cao mực nước sông Hồng thì cần xem xét đến màu nước. Nếu nước sông Hồng màu đỏ thắm, tức là đang mưa lớn trên cao nguyên hoàng thổ; nếu nước không đổi màu nhiểu thì mưa chủ yếu ở khu vực Vân Nam, có thể dự báo nhanh được. Từ dự báo này, các cơ quan chức năng, địa phương phải củng cố hệ thống đê điều, nếu mưa to trên sông Hồng thì đê của Hà Nội rất nguy hiểm.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tiếp nhận thông tin về mực nước, lưu lượng và lượng mưa từ 5 trạm thủy văn: Nguyên Giang, Mạn Hảo trên sông Nguyên (thượng lưu sông Thao); Thổ Khả Hà, Tứ Nam, Kim Thủy Hà trên sông Lý Tiên (thượng lưu sông Đà). Trong 7 ngày qua, mực nước tại các trạm thủy văn trên có xu thế biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy điện phía thượng lưu, không xuất hiện lũ, lượng mưa trung bình ngày phổ biến 10 - 30mm. Mực nước các sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc phần lãnh thổ Việt Nam đang biến đổi chậm và ở mức thấp. Các kịch bản ứng phó nếu có sự cố xảy ra đã sẵn sàng, nhưng nguy cơ không cao. Người dân cần bình tĩnh, yên tâm theo dõi các bản tin dự báo hàng ngày để nắm tình hình.