Cơ hội nào cho xe điện, hybrid tại Việt Nam?

Liệu Việt Nam có đi tắt đón đầu được xu thế của thế giới trong việc phát triển các dòng “xe xanh” (xe điện, xe hybrid)?
 

Cơ hội nào cho xe điện, hybrid tại Việt Nam? 1

Toyota Corolla Cross là mẫu xe bình dân đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hybrid.

Gần đây, các mẫu “xe xanh” (xe điện, xe hybrid) đang xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam, nhen nhóm phát triển mạnh dòng xe này trong thời gian tới. Liệu Việt Nam có đi tắt đón đầu được xu thế của thế giới?

Nhiều mẫu “xe xanh” chào hàng tại Việt Nam

Mới đây, hãng xe nội VinFast đã ký kết hợp tác với Kreisel Electric để sản xuất pin cho ô tô điện. Trước đó, giữa năm 2020, một chiếc xe VinFast trong lớp ngụy trang đã được bắt gặp chạy thử tại Hà Nội. Trao đổi với PV, đại diện VinFast xác nhận đây là mẫu xe điện mới đang trong quá trình thử nghiệm, có kích thước nhỉnh hơn xe cỡ C trên thị trường.

“Để khách hàng không lo về chi phí cao khi phải thay bình ắc quy sau 3 - 5 năm, ở châu Âu có thể mua trọn gói hay thuê bình ắc quy. Cách làm này đã kích thích người dân mua và sử dụng ô tô điện nhiều hơn”.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng

Trước đó, hãng dự kiến tháng 11/2020 sẽ ra mắt chính thức mẫu xe này tại Los Angeles Auto Show và tháng 7/2021 sẽ sản xuất hàng loạt và sẽ tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên do triển lãm này bị lùi lịch tổ chức nên kế hoạch đã phải điều chỉnh.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, VinFast đã chính thức trình làng mẫu xe buýt điện. Theo hãng xe này, đây là dòng thuần điện, sử dụng khối pin công suất 281,9kWh, có thể sạc đầy sau 2 giờ bằng trạm sạc 150kW. Một bộ pin đầy tương đương quãng đường di chuyển 220 - 260km.

Tại thị trường Việt Nam, các hãng xe sang như Porsche hay Audi cũng đã giới thiệu hay bán ra thị trường trong nước những mẫu xe thuần điện. Cái tên mới nhất có thể kể tới Porsche Taycan, mẫu xe điện mới nhất của thương hiệu xe thể thao Đức.

Xa hơn, vào năm 2018, Mitsubishi cũng có chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Mitsubishi cho biết đang đánh giá tính khả thi của dự án và trông đợi các quy định mới về thuế bảo vệ môi trường để thúc đẩy đầu tư nhà máy. Cũng trong năm này, hãng xe Nhật đã ký một biên bản thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu và phát triển xe điện. Theo đó, hai mẫu xe điện i-MiEV và Outlander PHEV đã lăn bánh thử nghiệm tại Việt Nam.

Không chỉ xe điện, xe hybrid đang dần được phổ cập khi Toyota Việt Nam (TMV) đưa về mẫu xe bình dân Corolla Cross. Phiên bản cao cấp nhất của mẫu xe này sử dụng động cơ hybrid (xăng lai điện) công nghệ tự sạc, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ra môi trường và được hãng đánh giá là phù hợp với cơ sở hạ tầng Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, TMV cũng phối hợp với Bộ Công thương và Đại học Bách khoa Hà Nội để nghiên cứu hiệu quả sử dụng xe điện trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Trước Toyota Corolla Cross, TMV cũng đã đưa nhiều mẫu xe hybrid về nước nhưng ở phân khúc hạng sang, giá bán đắt đỏ, khó tiếp cận với số đông như Lexus RX450h, LS500h…

Theo TS Trương Mạnh Hùng, giảng viên bộ môn Cơ khí ô tô (Đại học GTVT), cả ô tô điện lẫn hybrid đều có ưu điểm chung giúp bảo vệ môi trường, êm ái, tăng tốc tốt ở tốc độ thấp… Tuy nhiên, cả hai dòng xe này cũng có những nhược điểm như việc sửa chữa động cơ hybrid sẽ phức tạp hơn so với động cơ đốt trong truyền thống và chi phí thay pin nhiên liệu cao. Hay với ô tô điện thì vấn đề sạc, dung lượng pin là điều phải tính đến. Bởi nếu muốn xe đi được quãng đường xa thì dung lượng pin phải lớn mà khi đó sẽ đòi hỏi quá trình sạc lâu.

Thêm vào đó, cả ô tô điện lẫn hybrid đều sử dụng ắc quy có dung lượng lớn nên sau quá trình sử dụng bị hư hỏng cần phải được thu hồi để tái chế nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Người sử dụng “xe xanh” cần được trợ giá, khuyến khích

Cơ hội nào cho xe điện, hybrid tại Việt Nam? 2

Xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện VinFast chính thức trình làng tại Việt Nam, sắp được đưa vào sử dụng.

Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT), Việt Nam đã có định hướng, chủ trương về phát triển phương tiện sạch, bắt kịp với xu hướng thế giới và đã được cụ thể tại Nghị quyết 55/NQ-TW hay Nghị quyết 136/NQ-CP. Thậm chí Quyết định 985a/QĐ-TTg đã chỉ rõ cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách quản lý, phát triển phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện.

Hiện, các điều luật quy định về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông là cơ sở cho phát triển sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông điện. Để thu hút phát triển xe điện, cũng đã có một số chính sách như áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe điện từ 9 chỗ trở xuống, cao nhất chỉ 15% (xe động cơ đốt trong thấp nhất là 35%). Một số văn bản gần đây cũng đã bổ sung xe thân thiện môi trường vào đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế…

“Có một số nguyên nhân khiến các loại ô tô điện chậm phát triển như: Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển còn hạn chế, chưa rõ ràng, chưa đủ hấp dẫn; Các nhà máy lắp ráp ô tô trong nước chưa sẵn sàng cho việc đổi mới, cải tạo dây chuyền công nghệ; Chưa có lộ trình phát triển phương tiện sử dụng điện, quy hoạch và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng cho phương tiện sử dụng điện (áp dụng cho xe buýt điện, xe ô tô điện). Từ những nguyên nhân trên khiến giá thành của các loại ô tô điện còn cao, người dân chưa mặn mà”, ông Hà cho biết.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, thị trường ô tô điện là của 20 - 30 năm tới. Do đó, Việt Nam không nên chần chừ trong việc phát triển công nghệ ô tô điện mà cần khởi động ngay với công nghệ hiện đại của thế giới. Nhằm phát triển ô tô điện, Chính phủ cần có những gói hỗ trợ để người sử dụng xe điện không thiệt thòi về tài chính so với xe sử dụng động cơ xăng, đặc biệt đối với những xe taxi hay xe buýt.

“Người dùng xe ô tô điện đóng góp vào cải thiện môi trường sạch hơn, phải được hưởng lợi hơn. Một số hỗ trợ có thể tính đến như: Giảm phí đường bộ, phí môi trường, phí trước bạ, thuế VAT. Tại Đức, chính phủ nước này hỗ trợ bằng cách trợ giá đến 8.000 Euro/xe cho công ty, 9.000 Euro/xe cho cá nhân và 30.000 Euro cho những trạm nạp điện”, ông Đồng chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Đồng, cũng cần có những quy định giảm thiểu nhập xe ô tô điện vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam cần phải liên kết với những công ty có công nghệ nhỏ và vừa vì những công ty lớn cũng lấy 40 - 60% công nghệ từ những công ty này. Đồng thời, sự chuyển giao công nghệ, các công ty như vậy sẽ nhiệt tình hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn.

“Vì hạ tầng giao thông, thời gian di chuyển và thói quen đi lại của người Việt Nam, nhà sản xuất nên kết hợp sử dụng loại xe Plug-in Hybrid (xe có thể sạc tại nhà) và ô tô điện. Thị trường màu mỡ cho phương tiện này là taxi, xe buýt, xe giao hàng, bưu điện... với cự ly trung bình từ 150 - 250km/ngày”, ông Đồng cho biết.

Theo xe.baogiaothong.vn
Hyundai SantaFe 2022 bán vẫn hơn 1 tỷ đồng

Hyundai SantaFe 2022 bán vẫn hơn 1 tỷ đồng

Mới đây, một chiếc Hyundai SantaFe 2022 máy dầu đã lăn bánh gần 40.000 km đang được rao bán trên sàn xe cũ Hà Nội với mức giá lên đến hơn 1 tỷ đồng sau khoảng 2 năm lăn bánh.
Ford Ranger Super Duty 2026 chính thức lộ diện

Ford Ranger Super Duty 2026 chính thức lộ diện

2026 là thời điểm đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử dòng xe bán tải cỡ trung Ford Ranger có thêm phiên bản Super Duty với khả năng vận hành vượt trội khi được tối ưu cho công việc chở hàng tải trọng lớn
back to top