Có hay không nguy cơ vỡ bong bóng chứng khoán, bất động sản?

(khoahocdoisong.vn) - Trong vài tháng qua, giá bất động sản và chứng khoán “lên đồng” với mức tăng chóng mặt. Cổ phiếu lên “phi mã” dù doanh nghiệp lỗ liên tục. Đất “sốt” vô lý trong khi không hề có đầu tư thật. Lo ngại bong bóng chứng khoán, bất động sản khiến Chính phủ và các chuyên gia kinh tế phải vào cuộc...

Cơ quan quản lý lo ngại

Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét với sự sôi động trở lại của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, song hành với quá trình phục hồi là sự nóng lên rất nhanh của các thị trường tài sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu tăng giá dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục. Quán quân về tăng giá trong quý I năm nay có thể kể đến SPI của CTCP đá Spilit. Cổ phiếu SPI đã tăng gấp hơn chục lần trong đầu năm 2021 đến nay, từ 1.900 đồng lên 19.400 đồng. RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia cũng từ mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu bất ngờ nhảy vọt 34 phiên tăng trần liên tiếp lên trên 46.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 3 (tăng hơn 9 lần). Tuy nhiên, sau chuỗi dài tăng trần, RIC lại rơi vào chuỗi dài giảm sàn 14 phiên, đưa cổ phiếu này giảm xuống còn 15.750 đồng/cổ phiếu, bốc hơi hơn 2/3 giá trị chỉ trong vòng nửa tháng. Nhưng sau đó, RIC lại quay đầu tăng trần liên tiếp từ giữa tháng 3 lên lại 28.650 đồng. Hiện cổ phiếu này đang trong chuỗi ngày giảm liên tiếp, đến sáng 22/4 còn 21.650 đồng/cổ phiếu. Việc tăng giảm sàn liên tục của RIC hầu như không có một nguyên nhân nào liên quan đến kinh doanh của công ty. Năm 2020, RIC đạt gần 126 tỉ đồng doanh thu, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỷ đồng, cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2020 lên gần 310 tỷ đồng.

Không chỉ chứng khoán, tình trạng “sốt” đất xảy ra khắp nơi, nhất là tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận. Tại nhiều địa phương, cả chính quyền và người dân không khỏi bối rối khi trong một thời gian ngắn, giá đất trong khu vực tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Các cơ quan quản lý và chuyên gia e ngại, tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo, gây nhiều hệ lụy, dẫn tới nguy cơ vỡ “bong bóng”, đóng băng bất động sản như thời kỳ 2007 - 2008, 2011 – 2013.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa lên tiếng cảnh báo hiện tượng bong bóng có thể xảy ra đối với các thị trường tài sản đang tăng trưởng nhanh như: chứng khoán, bất động sản (BÐS). Công tác quản lý đất đai, quy hoạch còn hạn chế khiến các đối tượng môi giới tạo nên các cơn sốt đất đẩy giá BÐS nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán (TTCK) có một nghịch lý là tổng mức huy động vốn vào thị trường tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không hoàn toàn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I năm 2021 vừa diễn ra, PGS.TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện VEPR cho rằng, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Đáng chú ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình.

Rất khó dự đoán vỡ 

Lo ngại về tình trạng bong bóng, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chứng khoán đáng lý ra phải là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng lại lên đến mức rất cao trong khi các doanh nghiệp suy yếu vì Covid-19. VN-Index từ sáu bảy trăm điểm năm ngoái lên 1300 điểm gần đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại. Nếu trên 1300 điểm là có thể bong bóng hình thành. Bất động sản cũng vậy. Giá đất nền sốt nóng đáng quan ngại. Ngân hàng nhà nước nên xiết tín dụng cho vay bất động sản. Chính quyền các địa phương hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng này. Công an có thể vào cuộc dẹp tình trạng cò mồi thổi giá.

Cảnh báo về nguy cơ bong bóng BĐS, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, rõ ràng giá đất hiện đang sốt, tạo ra sự bất ổn và bong bóng. Chính phủ và một số địa phương đã vào cuộc nhưng quan điểm của tôi là cần phải quyết liệt hơn nữa. Trách nhiệm của các địa phương là rất lớn. Những chuyện liên quan đến quy hoạch dự án này dự án kia phải đảm bảo công khai minh bạch. Nếu như kiểm soát được quan chức đầu cơ bất động sản thì cũng là một nhân tố tốt. Nên xử lý thí điểm một vài vụ điển hình để răn đe. Chứ không thể để tiền dồn hết vào bất động sản thì không thể phát triển kinh tế bền vững được.

Về chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cho rằng, VN-Index tăng cao là dấu hiệu tích cực. Nhiều nhà đầu tư F0 tham gia thị trường và doanh nghiệp quan tâm tới thị trường trái phiếu nhiều hơn, phát hành nhiều hơn, đó là tích cực. Tuy nhiên không nên để nó quá thiếu minh bạch, thiếu chuyên nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành NĐ153 kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu một cách tích cực và kịp thời. Theo luật cho vay chứng khoán không quá 5% vốn điều lệ. Nên số dư nợ chứng khoán 45.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ nền kinh tế hiện nay rơi vào khoảng 0,5% tổng dư nợ là con số không đáng lo ngại.

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết thêm, phân tích 6 tiêu chí dấu hiệu rủi ro tài chính toàn cầu, đối chiếu với thị trường tài chính Việt Nam có thể thấy nguy cơ bong bóng chưa thể xảy ra. Đối chiếu với 6 tiêu chí này thì khả năng kháng cự chống chịu của Việt Nam ở mức trung bình khá. Tức là rủi ro ở mức trung bình. Khả năng chống chịu được những cú sốc ở mức khá. Bởi vì tổng nợ của Việt Nam vẫn còn trong tầm kiểm soát tương đối tốt, cả nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình. Thâm hụt ngân sách vẫn trong mức kiểm soát và chấp nhận được.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR lại cho rằng, khó xảy ra tình trạng vỡ bong bóng vào thời điểm hiện nay. Việc vỡ hay không rất khó đoán. Vỡ bong bóng xảy ra nếu cho vay tín dụng quá nhiều vào chứng khoán, bất động sản. Người dân vay lãi suất cao để mua BĐS, chứng khoán rồi bị siết lãi suất trong khi giá tài sản sụt giảm mới có thể vỡ.

Theo chuyên gia này, trong điều kiện hiện nay, đầu tư vào sản xuất kinh doanh không hấp dẫn đương nhiên người dân sẽ mang tiền nhàn rỗi đi chọn cổ phiếu tốt hoặc đầu tư vào đất đai. Vẫn có đối tượng đi vay tiền ngân hàng đầu cơ đất đai nhưng không nhiều. Cơ bản là nguồn tiền tiết kiệm nhàn rỗi đầu tư thì chỉ thua lỗ thôi, không vỡ được. Khủng hoảng 2011 là do lạm phát cao bắt buộc Chính phủ siết chặt lãi suất. Trong tình thế hiện nay việc siết tín dụng đột ngột là không có nên không có khả năng vỡ.

Về chứng khoán, trước đây thị trường còn quá nhỏ, các nhà đầu tư cũng không nhiều kinh nghiệm. Ngày nay các nhà đầu tư đánh giá dựa trên nền tảng thông tin tài chính cơ bản của công ty và các thông số kỹ thuật nên thị trường bây giờ bền vững hơn xưa. Do vậy, nguy cơ vỡ bong bóng cũng khó xảy ra.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tại buổi họp Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo về vấn tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… Phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top