Nhiều kiểu rạn da
Rạn da là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ có thai, có thể gặp ở 50-90% trường hợp. Tổn thương là các đường màu đỏ hoặc màu tím, sau đó nhạt màu dần. Tổn thương hay ở bụng, ngực và đùi.
Rạn da có thể gặp ở mọi chủng tộc nhưng phổ biến ở người da trắng hơn người da đen, da vàng. Rạn da có thể gặp ngay ở quý 1 thai kỳ nhưng thường xuất hiện ở quý 3.
Tổn thương của rạn da được định nghĩa là những vết sẹo hình đường nhìn thấy được, với các giai đoạn từ đỏ, tím và sau đó nhạt màu dần, để lại các đường dọc trắng lỏng lẻo. Vị trí phổ biến nhất là ở bụng, có thể xuất hiện ở ngực, đùi, hông, mông, bẹn, nách. Đa số không có triệu chứng nhưng có thể ngứa, châm chích.
Rạn đỏ (giai đoạn đầu) ở bụng.
Rạn trắng (giai đoạn sau) ở bụng.
Nguyên nhân của tình trạng này chưa rõ ràng, được cho là có thể liên quan đến thay đổi hormon trong thời kì mang thai và bất thường về sợi elastin và collagen. Các sợi elastin thường ngắn hơn, mỏng hơn so với vùng da thông thường.
Một số yếu tố nguy cơ của rạn da ở phụ nữ có thai bao gồm: Trước khi mang thai; Tiền sử gia đình, bản thân có rạn da; Tuổi trẻ; Cân nặng lớn; Uống rượu bia; Da trắng; Trong khi mang thai; BMI > 26; Tăng cân nhanh, tăng vòng bụng và vòng hông nhanh; Uống ít nước; Yếu tố thai nhi; Thai già tháng; Cân nặng lớn; Chiều cao và chu vi vòng đầu lớn.
Rạn da màu trắng ở bụng |
Cách phòng rạn da
Thay đổi lối sống: Tăng cân nhanh và béo phì có liên quan đến rạn da, do đó, chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể dự phòng rạn da.
Thực tế, các bác sĩ lâm sàng thường xuyên bệnh nhân tập các bài tập co giãn như aerobic hay yoga có thể có hiệu quả. Tuy nhiên, thiếu các nghiên cứu chứng minh hiệu quả của việc thay đổi lối sống trong việc dự phòng hoặc giảm mức độ nặng của rạn da ở phụ nữ có thai.
Một nghiên cứu trên 80 người không mang thai, trong đó có 79% người có rạn da trước đó, tham gia chương trình giảm cân trong 3 tháng nhưng không thấy giảm mức độ nặng của rạn da.
Chiết xuất rau má: Chiết xuất rau má (Centella), được nghiên cứu có hiệu quả trong một số bệnh như loét trong giãn tĩnh mạch, chàm, lupus. Mặc dù cơ chế chưa rõ ràng nhưng chiết xuất rau má thấy khả năng kích thích nguyên bào sợi, ức chế hoạt động của glucocorticoid. Bôi tại chỗ có thể làm lành thương và cải thiện sức căng của sẹo.
Một số nghiên cứu cho thấy các sản phẩm có chứa chiết xuất rau má có thể làm giảm độ nặng của rạn da ở phụ nữ có thai, tuy nhiên bằng chứng còn yếu, cần các nghiên cứu có đối chứng xác định chính xác hiệu quả của chiết xuất rau má trong dự phòng rạn da, bên cạnh các tá dược và bản thân động tác massage vùng da có nguy cơ rạn.
Dầu hạnh nhân: Dầu có tính chất dưỡng ẩm, massage có thể tăng tuần hoàn máu ở da. Dầu hạnh nhân an toàn cho mẹ và thai nhi. Các bằng chứng còn hạn chế khi chứng minh hiệu quả của massage dầu hạnh nhân để dự phòng rạn da ở phụ nữ có thai.
Hyaluronic acid: Hyaluronic là một sản phẩm dưỡng ẩm, được cho là có khả năng cải thiện sức căng và teo mô do kích thích hoạt động của nguyên bào sợi và tăng sản xuất collagen. Tuy nhiên cơ chế chính xác của hyaluronic acid trong dự phòng rạn da ở phụ nữ có thai chưa rõ ràng.
Có vài nghiên cứu nhỏ sử dụng các sản phẩm chứa hyaluronic acid như một thành phần hoạt tính về dự phòng rạn da ở phụ có thai cho thấy có thể có hiệu quả tuy nhiên nghiên cứu chưa đủ mạnh và các sản phẩm được sử dụng có thêm nhiều hoạt chất khác.
Bơ cacao (Cocoa butter): Bơ ca cao là một loại chất béo tự nhiên chiết xuất từ hạt bơ. Bơ cacao có tác dụng dưỡng ẩm. Một số nhà sản xuất cho rằng bôi bơ ca cao trước, trong và sau khi mang thai có thể dự phòng rạn da.
Tuy nhiên, chưa có các bằng chứng đủ mạnh chứng minh được hiệu quả của bơ ca cao trong dự phòng rạn da và giảm mức độ nặng của rạn da.
Dầu Ô liu: Dầu ô liu được sử dụng phổ biến để dự phòng rạn da với hiệu quả dưỡng ẩm. Tuy nhiên các nghiên cứu chưa thấy được hiệu quả của dầu ô liu trong việc dự phòng rạn da.
Tretinoin: Tretinoin có thể kích thích tăng sinh collagen, được coi là điều trị vàng trong lão hóa da, với khả năng kích thích tăng tổng hợp nguyên bào sợi. Tretinoin được xếp vào bảng C về mức độ an toàn, cho nên không khuyến cáo sử dụng tretinoin ở phụ nữ có thai. Trên những đối tượng khác, tretinoin được chứng minh là có hiệu quả để điều trị rạn da đỏ.
ThS.BS Hồ Phương Thùy (Bệnh viện Da liễu Trung ương)