Nhân dịp này, Khoa học & Đời sống xin được giới thiệu đôi nét về Bến đò Mẹ Suốt và việc ứng dụng công nghệ ở di tích lịch sử này.
Bến đò ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp người mẹ huyền thoại
Nằm ở địa phận thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh (phía hữu ngạn sông Nhật Lệ) và gần chợ cá Đồng Hới (phía tả ngạn), Bến đò Mẹ Suốt là địa danh lịch sử gắn liền với tên tuổi Mẹ Suốt, một người phụ nữ đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, Mẹ Suốt sinh năm 1906 tại Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình, có tên khai sinh là Nguyễn Thị Suốt. Trong những năm Mỹ đánh phá Quảng Bình ác liệt, Mẹ cầm chắc tay chèo chở bộ đội qua lại hai bờ sông Nhật Lệ, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những chuyến đò của Mẹ Suốt cũng là đường dây liên lạc thông tin giữa thị xã Đồng Hới với xã đảo Bảo Ninh. Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, Mẹ cùng con đò ngang thô sơ đã đưa đón hàng vạn lượt cán bộ, bộ đội, nhân dân qua đôi bờ sông Nhật Lệ.
Ước tính mỗi năm Mẹ Suốt thực hiện khoảng 1.500 chuyến đò. Hình ảnh người phụ nữ 60 tuổi bất chấp hiểm nguy, đóng góp sức lực của mình cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Để ghi nhận công lao to lớn của Mẹ Suốt với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, vào năm 1967, Nhà nước đã phong tặng Mẹ danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Vào ngày 13/10/1968, Mẹ đã hy sinh trong một trận càn quét ác liệt của máy bay Mỹ. Cũng từ thời khắc đau thương đó, tên tuổi Mẹ Suốt đã trở thành bất tử trong trái tim hàng triệu người dân nước Việt.
Cắt băng khánh thành công trình “Số hóa thông tin di tích Bến đò Mẹ Suốt” - Ảnh - Trang Thông tin điện tử Thành phố Đồng Hới. |
Là một trong những tấm gương tiêu biểu nhất về đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam, Mẹ Suốt đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn thơ làm rung động lòng người thời kỳ kháng chiến.
Trong bài thơ “Mẹ Suốt”, nhà thơ Tố Hữu đã viết những vần thơ đầy xúc động:
Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…
Sau ngày thống nhất đất nước, bến đò Mẹ Suốt chèo năm xưa đã trở thành di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Quảng Bình, được nhân dân địa phương dành cho một tên gọi thân thương, kính trọng: Bến đò Mẹ Suốt.
Năm 1980, UBND thị xã Đồng Hới đã cho xây dựng bia tưởng niệm Mẹ Suốt ở bến đò phía tả ngạn để quần chúng nhân dân có nơi tri ân người Mẹ anh hùng của quê hương.
Vào năm 2003, cách bia tưởng niệm 50 mét, tượng đài Mẹ Suốt được dựng lên trang trọng để khắc ghi mãi mãi hình ảnh người Mẹ Anh hùng, đồng thời giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Đưa hình tượng Mẹ Suốt đến với khách du lịch bằng công nghệ
Trở lại với thông tin Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến đò Mẹ Suốt được số hóa, theo ghi nhận, tại địa điểm bến đò ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, Xã đoàn Bảo Ninh đã trưng một tấm bảng có in biển tên di tích và mã QR để người dân tìm hiểu về Mẹ Suốt.
Các thông tin về di tích này được thiết kế theo dạng infographic (đồ họa thông tin), sau đó sẽ truyền thông qua việc lắp đặt mã phản hồi nhanh (còn gọi là mã QR).
Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ. |
Người dân và du khách đến đây chỉ cần có điện thoại thông minh và check mã QR, các thông tin về tiểu sử, cuộc đời của mẹ Nguyễn Thị Suốt cũng như di tích lịch sử cấp quốc gia “Bến đò Mẹ Suốt” sẽ được cập nhật đầy đủ, hiện lên điện thoại.
Đây là công trình của tuổi trẻ xã Bảo Ninh nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương và giáo dục truyền thống theo hướng thông minh, số hóa, hiện đại. Công trình ra đời với mục đích làm cầu nối đưa các di tích lịch sử-văn hóa ở địa phương đến gần hơn với cộng đồng, nhất là khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Bảo Ninh giàu đẹp, hiếu khách đến với du khách thập phương.
Việc tích hợp mã QR vào các di tích, địa chỉ "đỏ" là ứng dụng hữu ích, cách làm phù hợp xu thế công nghệ số, giúp người dân và du khách nắm thông tin một cách đầy đủ, thuận lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và có thể lưu giữ những thông tin cần thiết để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu.