Chùm lây nhiễm tại BV Hữu nghị Việt Đức cơ bản được khoanh vùng

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, các địa phương đều đã nắm được danh sách bệnh nhân xuất viện từ ngày 15/9 đến nay tại cơ sở y tế này.

Sáng 3/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và quận Hoàn Kiếm lấy mẫu đợt 2 cho khoảng 4.000 bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế và dân cư sống lân cận.

Trả lời báo chí, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho biết cơ quan này sẽ điều tra, truy vết dịch tễ và đánh giá chùm lây nhiễm tại đây một cách chính xác sau đợt lấy mẫu thứ 2. CDC Hà Nội sẽ cố gắng không bỏ sót F0, F1 hay các trường hợp nghi ngờ.

Ông nói: "Chúng tôi cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm bên trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gồm cả những bệnh nhân xuất viện từ ngày 15/9 đến nay. Các địa phương đều đã nắm danh sách bệnh nhân và tổ chức kiểm soát".

chum lay nhiem tai benh vien viet duc anh 1
Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực lân cận bệnh viện. Ảnh: Việt Linh.

Dựa vào kết quả xét nghiệm 4.000 mẫu lần này, CDC Hà Nội sẽ tham mưu phương án phòng, chống dịch tiếp theo cho bệnh viện và quận Hoàn Kiếm.

Đại diện CDC thành phố cho hay việc đưa người nhà của các bệnh nhân đi cách ly tập trung cũng đã nằm trong kế hoạch nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo.

Việc bệnh nhân di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau làm tăng mật độ tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân chỉ sinh hoạt ở một không gian hạn chế. Tuy nhiên, khi bác sĩ thăm khám, những người này buộc phải ra khỏi phòng bệnh, đi lại ở những vùng khác nhau trong khuôn viên bệnh viện.

Ông Việt nhận định khoảng 1.100 người nhà bệnh nhân là áp lực rất lớn cho bệnh viện trong việc đảm bảo giãn cách và phòng dịch. Dẫu vậy, cơ sở y tế này vẫn sẽ cố gắng đảm bảo tối đa nguồn nhân lực để chăm sóc bệnh nhân cũng như giúp người nhà yên tâm đi cách ly.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, CDC Hà Nội, quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm.

Theo kế hoạch, bệnh viện có nhiều tòa nhà khác nhau nên khi phát hiện yếu tố nguy cơ, cơ sở y tế này sẽ phong tỏa từng khu. Tuy nhiên, do bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế đã tiếp xúc với nhau nên công tác điều tra, truy vết sẽ tiếp tục được thực hiện trong những ngày tiếp theo.

Hiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường và vẫn tiếp tục phân bổ luồng riêng dành cho trường hợp cấp cứu, chạy thận chưa được điều phối.

Trường hợp đầu tiên được phát hiện dương tính với nCoV tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hôm 30/9 là người nhà vào chăm sóc em rể điều trị tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) từ ngày 19/9. Người này được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xét nghiệm rRT-PCR trước khi ra viện cho kết quả nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm khẳng định sau đó của CDC Hà Nội cũng cho thấy trường hợp này nhiễm nCoV.

Tính đến 12h ngày 3/10, liên quan chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội đã ghi nhận 25 ca nhiễm nCoV (13 người có địa chỉ tại Hà Nội, nhóm còn lại từ các địa phương khác).

F0 đã âm tính với nCoV có thể rơi vào cơn bão cytokine không? Bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải cơn bão cytokine là diễn biến không mới trong các bệnh truyền nhiễm.
Theo zingnews.vn
back to top