Nhu cầu lao động tăng dần
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, về tổng thể sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu hồi phục.
Một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”. Còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho người lao động nghỉ việc.
Thị trường lao động TPHCM ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch hoạt động trở, nhưng rất khó khăn do thiếu lao động. Khi số lượng lao động lớn đã ồ ạt về quê từ trước.
Dự kiến quý 4/2021, TPHCM cần khoảng 43.600 – 56.800 chỗ làm việc, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, ở các nhóm nghề như Kinh doanh - Thương mại; Dịch vụ phục vụ cá nhân, Bảo vệ; dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng;…
Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo của 4/2021 chiếm 87,19% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ Đại học trở lên chiếm 21,07%, Cao đẳng chiếm 19,81%, Trung cấp chiếm 26,35%, Sơ cấp chiếm 19,96%.
Nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực” - ông Triết cho biết thêm.
"Không để công nhân đi và về tự phát"
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, thành phố và các doanh nghiệp cần có chủ trương, giải pháp để đón ông nhân trở lại, không để công nhân tự phát đi và về.
Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân ở các tỉnh giáp ranh, đã tiêm đủ vắcxin được đi lại làm việc.
Doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ lao động trở lại làm việc. Sau thời gian dài giãn cách, cuộc sống của họ rất khó khăn.
Doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh hỗ trợ người lao động theo Nghị Quyết 68 và các chính sách hỗ trợ khác. Hiện nay số lượng lao động đã nhận hỗ trợ còn thấp, thời gian giãn cách lại quá dài.
Ông Tâm cam kết công đoàn thành phố sẽ tiếp tục vận động người lao động ở lại làm việc và hưởng các chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, Công đoàn cơ sở sẽ tham gia cùng doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất sao cho an toàn nhất.
Đại diện Sở LĐTBXH cho cho biết, sẽ tiếp tục nhắn tin để mời các lao động đã về quê trở lại thành phố làm việc.
Lao động trở lại làm việc phải đáp ứng được các điều kiện tại bộ tiêu chí an toàn đã được ban hành.
Lao động đang sinh sống tại TP.HCM cần tìm việc làm, sẽ được giới thiệu đến 127 đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn thành phố
“Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, để kết nối nhu cầu giữa doanh nghiệp và người lao động.
Sở cũng chú trọng giới thiệu các ngành nghề được hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”, giúp người lao động nắm bắt thông tin, thuận lợi ứng tuyển” - đại diện LĐTBXH cho biết thêm.