Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Phạm Hải Quỳnh đặc biệt yêu thích núi rừng và bảo vệ môi trường. |
Trong vai trò Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), CEO Phạm Hải Quỳnh đã đi khắp các vùng sâu vùng xa, “cầm tay chỉ việc” cho từng hộ dân, giúp hàng ngàn bà con dân tộc phát triển homestay, vừa bảo tồn văn hóa vừa nâng cao sinh kế. Là một doanh nhân nhưng với ông, lợi nhuận không chỉ tính bằng tiền mà là giúp được bao nhiêu đồng bào…
Lợi nhuận là mình có thể cho đi được bao nhiêu
Đã là doanh nhân phải luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nhưng trong phát triển du lịch cộng đồng, dường như với ông, lợi nhuận không tính bằng tiền?
Bản thân tôi đang đứng trong 2 vài trò. Với doanh nghiệp, việc kinh doanh tạo lợi nhuận phát triển vẫn đều đặn bằng chiến lược và kế hoạch cụ thể. Trong vai chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, lợi nhuận không phải tính bằng tiền mà là mình có thể cho đi được bao nhiêu, giúp được bao nhiêu đồng bào, thay đổi bao bản làng… Đảm bảo cuộc sống và thu nhập cho bà con là trách nhiệm và sứ mệnh mình hướng tới. Niềm vui và hạnh phúc của bà con giá trị hơn rất nhiều lần so với lợi nhuận đặt ra. Bản thân tôi cũng như các thành viên của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ này.
Vậy cụ thể, phát triển du lịch cộng đồng đóng góp gì cho kinh tế Việt Nam nói chung và đời sống của bà con nói riêng?
Phát triển du lịch cộng đồng chính là con đường hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch cộng đồng chính là nghiên cứu phát triển sinh kế bền vững của từng địa phương gắn liền với du lịch, từ đó tạo chuyển đổi dần sang kinh doanh du lịch song song với bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các trị văn hóa. VCTC đã và đang tiếp tục đồng hành để hỗ trợ các địa phương nhận định và phân tích giá trị của từng cộng đồng, từ đó tư vấn và hỗ trợ xây dựng các cộng đồng du lịch đạt chuẩn, mang lại giá trị cho cộng đồng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới cho Du lịch Việt Nam.
Để du lịch cộng đồng phát triển một cách bài bản, bền vững cần những yếu tố nào tiên quyết?
Chúng ta muốn phát triển được du lịch cộng đồng bền vững thì việc đầu tiên là chính quyền địa phương các cấp phải tâm huyết cũng như sẵn sàng vì cộng đồng để quyết tâm đưa cộng đồng vào làm du lịch cũng như nghiên cứu tạo sinh kế bền vững. Một vấn đề vô cùng quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng chính là sự nghiên cứu, phân tích giá trị văn hóa, giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị khác biệt và giá trị riêng biệt của đồng bào cũng như vở sở hạ tầng, sức hút của điểm đến hay khả năng kết nối tuyến điểm…
Chủ tịch Phạm Hải Quỳnh được dân bản coi như người con của làng. |
Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) lấy được sự tín nhiệm của bà con, của các doanh nghiệp du lịch và chính quyền không chỉ nhờ những chiến lược rất bài bản trong phát triển du lịch cộng đồng mà còn nhờ Tâm và Tầm. Với cương vị Chủ tịch, ông có chia sẻ gì về điều này?
VCTC khởi điểm từ những lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch sẵn sàng “vác tù và hàng tổng” vì vậy trong mỗi kế hoạch triển khai hỗ trợ đều từ tâm, từ sự cho đi và kết nối để cộng đồng có thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm. Chính định hướng Kết nối - Đồng hành – Phát triển là mục tiêu hướng tới của Hội du lịch cộng đồng Việt Nam và sứ mệnh của VCTC chính là phát triển vì cộng đồng. Có Tâm sẽ tạo Tầm.
Nhưng để bà con đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu vùng xa tin tưởng, chấp thuận là điều không dễ... ?
Đúng vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng thì mình phải trở thành một người con của bản làng, hiểu được khó khăn của họ, sống chung trong văn hóa cũng như tập tục của họ để tìm ra được giá trị cốt lõi tạo sinh kế bền vững. Sự chân thành, cho đi và tình cảm mà mình đến với bà con sẽ tạo niềm tin. Cách mình làm, mình “cầm tay chỉ việc” cụ thể, hiệu quả, giúp bà con kiếm được tiền thì bà con sẽ tin thôi!
“Tôi luôn mong muốn và sẽ làm hết sức mình để mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng, duy trì và phát triển tốt hơn, mang lại nguồn lợi chung cho tất cả mọi người, tạo nên những giá trị niềm vui không chỉ cho du khách, cho người dân mà còn cho tất cả những thành viên tham gia” – Chủ tịch Phạm Hải Quỳnh chia sẻ.
Hãy cho đi rồi sẽ nhận lại
Với nhiều người, kinh doanh quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư. Còn làm du lịch cộng đồng quan trọng nhất là gì thưa ông?
Với du lịch cộng đồng quan trọng nhất là đoàn kết, là sức mạnh tập thể, là quyền lợi công bằng và hạn chế tối đa những mâu thuẫn trong cộng đồng.
Nghe nói để vận động bà con làm du lịch cộng đồng, ông phải sống với bà con 6-9 tháng, “ăn cùng – uống cùng – làm cùng”... phải được ma làng chấp thuận, phải là người của làng...
Vâng, mỗi một bản làng là một câu chuyện, là một trải nghiệm văn hóa, có tín ngưỡng tâm linh, tập tục riêng. Vì vậy, muốn làm du lịch cộng đồng, phải hiểu cộng đồng, phải là người con của bản làng thì mới có tiếng nói, có uy tín, có sức thuyết phục để đưa câu chuyện văn hóa vào khai thác, đưa cả cộng đồng vào tham gia…
Ông Phạm Hải Quỳnh giúp bà con Nà Sự, Nậm Pồ, Điện Biên cải tạo cảnh quan phát triển du lịch. |
Vậy làm doanh nhân phát triển du lịch cộng đồng có “cực” quá không?
Ai nói làm du lịch cộng đồng không cực là sai? Rất cực luôn nhưng niềm vui có được từ nụ cười của bà con, tự sự trân trọng, và cuộc sống đi lên của mỗi bản làng không thể mua được bằng tiền.
Thường xuyên “nằm vùng”, “khai hoang” khám phá những tour tuyến du lịch mới, ở những vùng sâu, vùng xa không sóng điện thoại, không internet... việc điều hành kinh doanh của ông và đời sống gia đình thu xếp như thế nào?
Doanh nghiệp tôi từ 2015 đã đơn giản hóa nguồn nhân lực, setup sản phẩm chủ đạo và triển khai số hóa trong quản lý, vận hành nên rất đơn giản. Tôi hạnh phúc vì có những người thật sự hiểu tôi, cổ vũ và động viên tôi trong mỗi hành trình. Nhờ đó tôi mới có thể giúp đỡ nhiều hơn cho cộng đồng.
Người ta làm Chủ tịch thích đi xe sang, chọn việc nhiều tiền. Sao ông lại ngược lại, thích đi xe độ, “ăn núi nằm rừng”, chọn những việc “ít tiền, hành xác”? (Cười)
Xe sang thì đi ngoại giao, đi quan hệ. Còn quanh năm tôi ở bản, không đi xe độ xe bán tải thì không có gì chở đất, chở đá, chở vật tư giúp bà con. Với tôi, được đến bản, nằm giữa núi rừng “hành xác” là một thú vui tao nhã mà nhiều đại gia nhiều tiền chưa chắc được hưởng.
Châm ngôn sống và câu danh ngôn yêu thích của ông trong kinh doanh là gì?
“Hãy cho đi rồi sẽ nhận lại” là câu nói khá hợp với tôi. Từ khi lấy nó làm mục tiêu cuộc đời tôi thấy thoải mái nhẹ nhàng hơn. Người giàu thì nhiều nhưng muốn có tâm an khó lắm! Chỉ cần sống mà tâm an là thấy cuộc đời An Nhàn dù có vất vả gì!
Gần đây, chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng đã xử lý hàng loạt các doanh nghiệp, doanh nhân “làm giàu bất chấp” khiến dư luận xã hội bức xúc. Ông có ý kiến gì về điều này?
Để có Tầm thì nó bắt nguồn từ nhiều khía cạnh nhưng người có Tầm chưa hẳn đã có Tâm. Vì vậy sự bền vững của Tầm chính là được tạo ra từ Tâm.
Với cương vị Chủ tịch, ông có chia sẻ gì về kế hoạch sắp tới của VCTC?
Chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết mình và dành nhiều thời gian nhất đến với các địa phương, các bản làng và đồng bào thật sự cần mình. Hiện tại tôi và một số anh chị em VCTC đang nằm vùng tại bản Nà Sự, Nậm Pồ, Điện Biên để hỗ trợ bà con, sau Nà Sự chúng tôi sẽ tiếp tục đến với Phước Bình, Bắc Ái, Ninh Thuận, rồi Kontum… Mục tiêu là đem đến thật nhiều niềm vui và sinh kế cho đồng bào.
Xin cảm ơn ông!
“VCTC nay đã kết nối các doanh nghiệp du lịch tại 63 tỉnh thành, với hơn 6.000 thành viên online và trên 500 thành viên chính thức. Hội thường xuyên cử chuyên gia giúp bà con vùng sâu vùng xa xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển bền vững...”