Chống tham nhũng: Sắp tới còn làm mạnh hơn nữa

(khoahocdoisong.vn) - Theo TS Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), chống tham nhũng là đụng chạm, người chống tham nhũng bị cám dỗ, tấn công từ rất nhiều phía. Vì vậy, muốn chống tham nhũng phải có bàn tay sắt, nhưng bàn tay đó phải sạch.
TS Đinh Văn Minh cho rằng, chống tham nhũng là đụng chạm, chịu nhiều cám dỗ.

TS Đinh Văn Minh cho rằng, chống tham nhũng là đụng chạm, chịu nhiều cám dỗ.

Không còn khái niệm "hạ cánh an toàn"

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của chúng ta năm vừa qua có nhiều chuyển biến rất tích cực. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thực tế những năm gần đây công tác PCTN của nước ta đã có bước chuyển biến rất tích cực về chất so với giai đoạn trước đây.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng được đẩy nhanh công tác điều tra, phát hiện, xử lý và việc xử lý rất nghiêm khắc. Rất nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ cấp uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương bị xử lý hình sự. Giờ đây, không còn có khái niệm “hạ cánh an toàn”, ngay cả những cán bộ đã nghỉ hưu nếu vi phạm cũng đều bị đưa ra xử lý. Thậm chí, nhiều vụ việc dư luận, người dân lo lắng sẽ bị chìm xuồng nhưng vẫn được xử lý nghiêm minh, rốt ráo…

Kết quả công cuộc PCTN những năm qua thể hiện toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, niềm tin của người dân được nâng cao. Đó là cái vô cùng quan trọng.

Theo ông yếu tố nào tiên quyết tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong PCTN thời gian qua?

Từ trước đến nay đấu tranh PCTN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt là người đứng đầu. Bên cạnh đó còn sự cố gắng của các cơ quan, sự vào cuộc của người dân. Nhưng giai đoạn này đúng là thấy rất rõ yếu tố quyết định của người đứng đầu.

Thứ nhất, người đứng đầu phải mạnh mẽ, cương quyết và phải có chỉ đạo có tính chiến lược, sách lược rất rõ ràng. Thứ hai, người đứng đầu phải rất gương mẫu. Chống tham nhũng là đụng chạm, người chống tham nhũng bị cám dỗ, bị tấn công rất nhiều phía. Vì vậy, muốn chống tham nhũng phải có bàn tay sắt nhưng bàn tay đó phải sạch.

Một điểm rất quan trọng dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về chất trong chống tham nhũng đó chính là thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Nói chính xác hơn là chuyển đổi cơ chế PCTN từ Thủ tướng đứng đầu sang Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đứng đầu. Đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh chính những người có chức vụ quyền hạn mà họ lại là đảng viên. Vậy, chống tham nhũng phải gắn với vấn đề xử lý cán bộ đảng viên cho nên việc chuyển các cơ quan đảng trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng thì thuận lợi hơn rất nhiều. Đó cũng là điều đặc biệt ở Việt Nam.

Người đứng đầu Ban Chỉ đạo chống tham nhũng là người có vị trí cao nhất cũng sẽ bảo đảm, loại trừ được những sự can thiệp, giúp các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán hoàn toàn có thể tự tin để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình trong công tác PCTN mà không sợ bất kỳ sự can thiệp nào khác. Tất cả những điều đó làm cho hoạt động PCTN hiệu quả hơn.

Có thông tin cho rằng, chống tham nhũng là chuyện lợi ích nhóm, ông đánh giá sao về điều này?

Vừa rồi có rất nhiều phần tử, thông tin tuyên truyền rằng chống tham nhũng, bắt người nọ, người kia trước thềm đại hội là vì lợi ích nhóm. Đó là thông tin từ những thế lực chống phá, nhưng thực sự người dân đã có niềm tin, người ta thấy rằng việc xử lý cán bộ vi phạm kể cả gần đại hội đó là việc cần phải làm vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, của xã hội chứ không phải là chuyện xử ông nọ, bà kia là lợi ích nhóm. Cái đó phải nhìn nhận một cách rất khách quan, toàn diện.

Sắp tới còn làm mạnh hơn nữa

Sau giai đoạn này, liệu có lo ngại công tác PCTN chùng xuống hay không, thưa ông?

E ngại đó, theo tôi, là thể hiện sự mong mỏi của người dân, họ muốn tiếp tục làm mạnh mẽ hơn nữa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói rồi, không ngừng, không nghỉ, không dừng, thậm chí sắp tới còn làm mạnh hơn nữa.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là, đấu tranh PCTN là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển đất nước không bao giờ có chuyện dừng được cả. Tham nhũng như bệnh tật, cứ dừng lại là nó trỗi dậy. Vì vậy vẫn phải uống thuốc, chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ.

Sắp tới chúng ta sẽ có sự chuyển đổi ở mức độ nào đó về công tác nhân sự: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội... Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng quan điểm xuyên suốt của Đảng là đấu tranh PCTN là cấp bách, lâu dài, liên tục, thường xuyên, không ngừng nghỉ.

Từ Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng đến mức bị khai trừ Đảng và đang chịu án tù.

Từ Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng đến mức bị khai trừ Đảng và đang chịu án tù.

Hiện nay chúng ta đang xây dựng cơ chế chống tham nhũng “4 không”: Không thể, không dám, không muốn, không cần, ông đánh giá thế nào về điều này?

Thực ra đó không phải là mới. Singapore cũng có 4 cái không này. Đó là, thứ nhất không cần tham nhũng vẫn đủ sống và giải pháp họ thực hiện là tăng lương rất cao cho cán bộ chống tham nhũng và kèm theo đó có chế tài rất nghiêm khắc. Thực tế là đúng, Việt Nam đã có câu “Đói ăn vụng, túng làm liều”, họ đói thì phải làm liều thôi. Nhưng cách làm ở Việt Nam và Singapore phải khác nhau. Ở Singapore có ít cán bộ công chức nên  họ có thể vay tiền để tăng lương cho cán bộ, nhưng ở Việt Nam tăng lương theo lộ trình kinh tế xã hội, và năng lực kinh tế xã hội cho phép.

Thứ hai, là không thể tham nhũng. Với một loạt vụ án đã xảy ra, chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao người ta kiếm nghìn tỷ dễ như không. Đó là do cơ chế, dễ tham nhũng quá khác gì “Mỡ để miệng mèo” làm sao không tham nhũng được. Cho nên phải quản lý thật chặt, quản lý cán bộ, quản lý tiền, quản lý thủ tục hành chính để cho không thể tham nhũng.

Thứ ba, là không dám tham nhũng. Việc này phải thể hiện ở chỗ, một mặt quản lý thật chặt, mặt khác đã phát hiện là phải xử lý, mà xử lý là phải bằng hình thức rất cao khiến cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng.

Thứ tư là không muốn tham nhũng. Ở đây muốn nói về vấn đề đạo đức cán bộ công chức. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói là phải làm sao thấy xấu hổ bản thân mình hoặc người thân mình khi tham nhũng. Bây giờ nhiều khi con, cháu trong gia đình còn vênh vang bố mình làm nọ kia, tiền bạc nhiều. Nếu đạt đến mức không muốn tham nhũng thì chống tham nhũng sẽ trở thành văn hoá.

Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay cái quan trọng nhất là không thể tham nhũng. Việc đầu tiên phải có cơ chế chính sách tốt, không thể tham nhũng được. Tiếp nữa tạo cơ chế kiểm soát phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Và thứ ba là tăng lương theo lộ trình phù hợp do nền kinh tế không phải là dư dả.

Từ năm 2013 đến nay, riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

Xin cảm ơn ông!

Theo Đời sống
back to top