Chống lạm phát lan rộng, các chính phủ "ra tay trước" thế nào ?

Khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, các chính phủ sẽ không thể giao hoàn toàn công việc kiềm chế lạm phát cho các ngân hàng trung ương. Các chính sách khác nhau liên tục được chính phủ các nước áp dụng, trước khi tình hình trở nên tồi tệ.

Hai quy tắc cơ bản của kinh tế học chính thống trong những thập kỷ gần đây, là giá cả nên được thiết lập trên thị trường tự do, và quản lý lạm phát là một công việc của chính sách tiền tệ.

Nhưng những áp lực của đại dịch Covid -19 khiến nền kinh tế các quốc gia kiệt quệ. Đặc biệt, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến lạm phát tăng vọt.

Sau đó, đợt kích thích kỷ lục của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm thúc đẩy nhu cầu trên toàn thế giới đã làm phát sinh những vấn đề nghiêm trọng.

Một câu hỏi được đặt ra: việc tăng lãi suất như nhiều quốc gia đã và đang làm - có thể giải quyết các nguyên nhân gây ra lạm phát từ phía cung của các nền kinh tế, như vấn đề ùn tắc trong vận chuyển hoặc thiếu nguyên liệu và lao động?

Các cuộc thăm dò từ Mỹ đến Anh cho thấy cử tri đang lo lắng về việc giá cả tăng vọt.

Các nhà kinh tế cho rằng, phải mất tối thiểu sáu tháng để chính sách tiền tệ thắt chặt có hiệu lực bằng cách hạn chế nhu cầu.

Vì vậy, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng lãi suất vào cuối năm 2022 - với tác động vào khoảng năm 2023, thì điều đó không đủ làm giảm áp lực đối với các chính trị gia như tổng thống Biden. Điều đó buộc chính phủ của ông phải hành động sớm hơn.

Nói rộng hơn, đại dịch đã làm sống lại cuộc tranh luận về vai trò của các chính phủ trong nền kinh tế, và lạm phát là một phần của lập luận đó.

Các quan điểm phổ biến cho rằng để yên thị trường tự do là cách hiệu quả nhất để cung cấp hàng giá rẻ.

Nhưng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã đặt ra câu hỏi về việc liệu để thị trường tự điều tiết có còn hiệu quả, và liệu rằng lạm phát có được kiềm chế ? Hay thậm chí nó còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ?.

Trợ cấp năng lượng

Giá năng lượng tăng vọt là một trong những yếu tố lớn nhất của lạm phát, và các chính phủ đang phải vào cuộc để chống đỡ. Vấn đề này có thể sẽ nổi bật nhất trong cuộc họp cuối tuần này của nhóm các nhà lãnh đạo G20.

Pháp có kế hoạch trợ cấp 100 euro một lần cho những người có thu nhập thấp. Tây Ban Nha đã hứa hành động để giới hạn hóa đơn thanh toán của hộ gia đình, Kenya đang sử dụng quỹ bình ổn để giảm giá nhiên liệu, và cũng giảm thuế xăng dầu nhằm tìm kiếm sự ổn định.

1200x-1-1-.png
Giá các mặt hàng năng lượng tại một số quốc gia tăng một cách nhanh chóng (ảnh Bloomberg)

Các khoản trợ cấp như thế này không được các nhà kinh tế học coi là chống lạm phát.

Bởi chúng không hạn chế chi phí, mà chỉ chia sẻ chúng theo cách khác. Nhưng chúng làm giảm sự gia tăng ngay lập tức của chi phí sinh hoạt, vốn được coi là thước đo lạm phát đối với hầu hết các nhà kinh tế học.

Ở Mỹ Latinh, một loại giá đặc biệt nhạy cảm đối với các chính trị gia là khí hóa lỏng, được sử dụng để nấu ăn, đặc biệt trong các gia đình có thu nhập thấp.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đang thành lập một công ty phân phối thuộc sở hữu nhà nước, công ty này sẽ bán nhiên liệu “với giá hợp lý.” Ngoài ra chính phủ của ông đã áp đặt giới hạn giá ở một số khu vực.

Thượng viện Brazil đã thông qua một chương trình trợ cấp để giúp khoảng 11 triệu gia đình mua khí đốt nấu ăn, một phần được tài trợ từ cổ tức nhận được từ tập đoàn dầu khí khổng lồ Petrobras của nhà nước

Trợ giá lương thực

Ở các nước thu nhập thấp, giá lương thực tăng cao có thể gây ra khủng hoảng xã hội. Đáng nói là từ hơn một năm nay, giá các mặt hàng lương thực tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỉ qua.

Một số quốc gia đang cố gắng thúc đẩy nguồn cung. Ngân hàng trung ương Nigeria đang hỗ trợ nông dân các khoản vay giá rẻ, để họ có thể tăng sản lượng.

Nga, nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, cũng đang tìm cách cải thiện năng suất tại các trang trại của mình. Nhưng thừa nhận rằng điều đó sẽ mất thời gian và Nga cũng đang hạn chế xuất khẩu để đảm bảo có đủ ngũ cốc cho thị trường nội địa.

Các biện pháp khác, bao gồm cả việc điều chỉnh thuế xuất khẩu, được thực hiện hàng tuần.

1200x-1.png
Chi phí các mặt hàng thực phẩm trên thế giới (ảnh Bloomberg)

Một số chính phủ khác đã tập trung vào cách thức bán thực phẩm. Thổ Nhĩ Kỳ đang mở rộng mạng lưới các cửa hàng hợp tác xã và giao nhiệm vụ cho các quan chức điều tra tình trạng “khoét giá” tại các chợ đầu mối.

Nước này cũng loại bỏ thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc, và đang nghiên cứu một hệ thống cảnh báo thời tiết sớm, để phát hiện những cú sốc về nguồn cung tiềm năng.

Kiểm soát giá

Argentina có một lịch sử lâu dài về các chính sách không chính thống nhằm kiềm chế giá cả. Nhưng lại liên tục là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy, các chính sách này thực sự không mấy hiệu quả.

Tuy nhiên, Tổng thống Alberto Fernandez đã thực hiện một số biện pháp quyết liệt nhất để giảm chi phí sinh hoạt.

Trong tháng này, ông đã thông báo về việc giảm giá đối với hơn 1.400 mặt hàng gia dụng cho đến sau lễ Giáng sinh, sau một cuộc đàm phán với ngành công nghiệp về một thỏa thuận giá cả. 

Phát triển chuỗi cung ứng

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chiến đấu trong nhiều tháng để giải quyết các nút thắt đang đẩy giá tiêu dùng lên cao và đe dọa tình trạng thiếu hụt trong dịp Giáng sinh.

Nhà Trắng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng. Lực lượng này đang tìm cách thúc đẩy các cảng làm việc nhiều giờ hơn, cấp nhiều giấy phép lái xe tải hơn để vượt qua tình trạng siết chặt lao động, và mở rộng lịch trình giao hàng.

Tại Trung Quốc, nơi kế hoạch hóa tập trung đóng vai trò lớn hơn, hiện không phải đối mặt với lạm phát tiêu dùng cao. Nhưng Trung Quốc cũng đang lo ngại do giá sản xuất tăng đột biến. Đặc biệt là đối với than đá, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện.

Cơ quan lập kế hoạch hàng đầu cho biết nhà chức trách Trung Quốc đang cân nhắc can thiệp vào thị trường “hoàn toàn lệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu”. Các nhà chức trách cũng giải phóng kho dự trữ một số kim loại để cắt giảm chi phí.

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết vào tuần trước: "Không có lựa chọn thay thế nào cho sự can thiệp của nhà nước". Đó thực sự là biện pháp mang tính dài hơi lúc này để kiềm chế lạm phát, tránh nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Theo Đời sống
Cháy nhà trọ 5 tầng ở TP Thủ Đức, 2 người tử vong

Cháy nhà trọ 5 tầng ở TP Thủ Đức, 2 người tử vong

Theo thông tin ban đầu, đám cháy bùng phát vào khoảng 5h45 sáng. Nhiều người trong nhà phát hiện và cố gắng dập lửa nhưng không thành công. Lửa lan nhanh kèm theo cột khói lớn khiến cư dân xung quanh hoảng sợ, nhiều người phải tháo chạy ra ngoài.
back to top