Chọn và cung ứng văcxin: Những ai đang... không vội?

(khoahocdoisong.vn) - Trong khi rất nhiều người chỉ mong sớm được tiêm văcxin, dù là loại nào, thì cũng không ít người chần chừ, chờ thời điểm. Thậm chí, còn xuất hiện hoài nghi về việc “chống lưng”, “chia phần” trong mua bán và phân phối văcxin. 

Tâm lý “chần chừ”

Hơn 120 triệu liều văcxin phòng Covid-19 chia làm nhiều đợt trong năm 2021 sẽ về Việt Nam để hướng tới mục tiêu 150 triệu liều tiêm chủng cho 70 - 75% dân số trong năm 2021. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực hết sức vì an toàn của người dân, dù việc đạt được mục tiêu này là rất khó khăn trong điều kiện Việt Nam hiện chưa chủ động được nguồn văcxin. 

Theo số liệu từ Our Wolrd in Data, tính tới ngày 27/6/2021, chỉ mới có 3,23% dân số Việt Nam được tiêm một liều văcxin Covid-19. Và chỉ có 0,16% dân số được tiêm đầy đủ cả hai liều. So với tỷ lệ tiêm bình quân của thế giới là 12,63% dân số tiêm 1 mũi và 11,04% dân số tiêm 2 mũi, thì tỷ lệ tiêm văcxin của Việt Nam thuộc nhóm rất thấp và thấp nhất ASEAN. So với yêu cầu 70% dân số được tiêm 2 mũi năm 2021 thì tỷ lệ hiện nay của Việt Nam 0,2% cũng quá thấp.

Rõ ràng, dù Chính phủ nỗ lực nhanh chóng nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nhưng từ chỉ thị cho đến thực thi vẫn là một quá trình dài. Một bác sĩ đã hài hước nhưng rất khoa học khi chứng minh rằng, Sài Gòn mỗi tuần tiêm thần tốc được 400 ngàn mũi, để hoàn thành 70% dân số tiêm đủ hai mũi, thì phải mất 31 tuần, tức là gần 7 tháng liên tục tiêm hết công suất. Theo phép tính đó, dù Việt Nam có mua đủ văcxin, thì cũng khó đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số trong năm 2021, "trừ khi nhân viên y tế xách bơm kim tiêm đứng giữa ngã ba đường, người đi qua lăn vân tay hoặc quét đồng tử nhận diện, rồi vạch áo lên tiêm tại chỗ" - bác sĩ này ví von.

Không chỉ hạn chế về hạ tầng y tế, lo lắng về tình trạng thiếu văcxin, Việt Nam còn phải đối mặt với tâm lý chần chừ của một bộ phận người dân muốn chọn tiêm văcxin. Khảo sát của KH&ĐS cho thấy, không ít doanh nghiệp và người dân nêu quan điểm muốn được bỏ tiền đăng ký tiêm dịch vụ loại văcxin theo yêu cầu. E ngại các tác dụng phụ, lo lắng về hệ thống vận chuyển bảo quản khiến chất lượng văcxin không đảm bảo, “tâm lý” miếng bánh miễn phí đi kèm một đám đông hỗn loạn nhiều rủi ro... khiến một bộ phận người dân “chần chừ” từ chối tiêm văcxin.

Tiếp sau các địa phương có dịch nặng nhất, Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm văcxin Covid-19 miễn phí theo Kế hoạch số 118, cho người từ 18 - 65 tuổi trên địa bàn trong giai đoạn 2021 - 2022. Nhiều người ủng hộ và hào hứng, nhưng một số người vẫn còn do dự và muốn đợi để xem liệu có bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào ở những người đã tiêm hay không. Những người trì hoãn tiêm có thể không tin tưởng vào độ an toàn của văcxin. Một số khác coi văcxin có rủi ro ngang bằng hoặc lớn hơn so với lợi ích đạt được, khiến họ tin rằng vẫn cần nhiều dữ liệu hơn và chọn chờ đợi.

Ngay khi dịch Covid-19 tác động mạnh vào các khu công nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp hoang mang, bày tỏ mong muốn xã hội hóa hoạt động tiêm văcxin. Tại một hội nghị trực tuyến đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng văcxin phòng chống dịch Covid-19, đông đảo lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) đều bày tỏ sự mong chờ có văcxin ngay lập tức. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều DN mong muốn được trực tiếp chi trả chi phí tiêm văcxin cho người lao động. Xã hội hóa không chỉ là kinh phí chi trả cho việc tiêm văcxin mà cả khả năng tiếp cận đưa văcxin về Việt Nam một cách sớm nhất, đặc biệt huy động nguồn lực từ các FDI.

Xã hội hóa tiêm văcxin không dễ

Lo ngại trước tình trạng thiếu, chậm triển khai tiêm văcxin, một DN giấu tên cho biết, rất nhiều DN muốn tham gia xã hội hóa chung tay mua văcxin nhưng không hề dễ dàng. Ngoài điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng bảo quản, còn rất nhiều “vấn đề” khác phía sau.

Mặc dù Bộ Y tế đã công bố công khai danh sách 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh văcxin Covid-19 nhưng việc nhập khẩu, phân phối chỉ thực hiện được ở một số ít đơn vị. Cơ chế cũng có nhiều vướng mắc, triển khai tiêm chủng cũng khó đạt mức kỳ vọng. Nếu văcxin nhập về vướng nhiều chỗ như cơ chế thủ tục kiểm định chậm, văcxin nhanh hết hạn thì sẽ khó khăn cho việc tiếp cận của DN. Chưa kể, có ý kiến lo ngại việc phân phối văcxin vẫn có thể bị gây khó dễ, phải “lót tay”, hoặc trở thành miếng bánh đã được chia phần từ trước...

Theo kết quả đàm phán vừa được Bộ Y tế công bố, Vabiotech (Công ty TNHH MTV Văcxin và Sinh phẩm số 1) được giao hợp tác với phía Nga mua 20 triệu liều văcxin Sputnik V. Trước đó, ngày 29/6, Bộ Y tế đã phê duyệt văcxin Spikevax - Moderna theo đề nghị của Zuellig Pharma Việt Nam. Zuellig Pharma và Công ty dược DKSH được chỉ đạo đẩy nhanh cung ứng văcxin Spikevax - Moderna cho Việt Nam. Zuellig Pharma cũng là đơn vị được Moderna ủy quyền đưa 5 triệu liều văcxin về Việt Nam, hiện TPHCM đã đề nghị với Bộ Y tế được mua cả 5 triệu liều này.

Tuy nhiên, Zuellig Pharma Việt Nam đã từng bị nhắc đến với “nghi vấn” lách luật, thao túng thị trường thuốc Việt Nam, thủ phạm gây lên “cơn sốt tân dược” từ những năm 2003 - 2004. Đây là công ty thuộc Tập đoàn Zuellig Pharma (Singapore) thành lập từ tháng 3/1999, trụ sở tại Khu Công nghiệp Sài Đồng B, Hà Nội. Với đặc quyền “trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu”, có năm Zuellig Pharma tăng giá thuốc tới 3 lần. Thời điểm đó, kết luận của Đoàn Thanh tra Bộ Y tế cho thấy, Zuellig Pharma tăng trung bình giá thuốc từ 2 - 12%, có một số mặt hàng tăng từ 30 - 60%.

Tại thời điểm thanh tra, 4.400 thuốc nước ngoài thuộc 900 hoạt chất được cấp số đăng ký tại Việt Nam, số hoạt chất do Zuellig phân phối gồm 180, trong số này có 97 hoạt chất chỉ có 1 số đăng ký, 18 hoạt chất có trên 5 số đăng ký nhưng... chỉ có Zuellig Pharma phân phối. Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) là “đối tác” giúp Zuellig Pharma Việt Nam trong hợp thức việc bán hàng.

Kể từ đó đến nay, Zuellig Pharma đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ đa quốc gia lớn nhất trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Nhiều năm, Zuellig Pharma Việt Nam ghi nhận tăng trưởng doanh thu rất tốt. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu ở mức 21.094 tỷ đồng, báo lãi 144,2 tỷ đồng. Zuellig Pharma Việt Nam và Công ty dược DKSH được “bật đèn” đẩy nhanh cung ứng văcxin cho Việt Nam lần này đều nằm trong liên kết với Phytopharma của "đại gia" ngành dược Nguyễn Công Chiến. Do vậy, các doanh nghiệp muốn đầu tư nhập “văcxin Covid-19” đều phải e ngại “miếng bánh” văcxin có thể đã được chia phần từ trước.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top