Hiện nay sản phẩm hữu cơ thì nhiều. Nhưng không phải sản phẩm nào cũng được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Cách nào để lựa chọn đúng sản phẩm hữu cơ?
Không phải sản phẩm nào cũng được tổ chức uy tín chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Điều phối Hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (PGS), cho biết: Ở các nước phát triển, sản phẩm hữu cơ lưu thông trên thị trường bắt buộc phải được chứng nhận. Hoặc của chính phủ hoặc của cơ quan chứng nhận tư nhân. Phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt về đóng gói, ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc.
Chứng nhận này sẽ bảo hành chất lượng hữu cơ tới người tiêu dùng. Thông qua tem chứng nhận dán trên sản phẩm, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết những sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường.
Chưa phổ biến
Ở Việt Nam, những sản phẩm niêm yết là “hữu cơ” đang ngày một nhiều. Nhưng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ chưa phổ biến. Một số siêu thị, cửa hàng của tư nhân có bán những sản phẩm hữu cơ nhập khẩu. Chủ yếu là các sản phẩm chế biến như sữa, đồ hộp và mỹ phẩm nhập khẩu.
Việt Nam có những sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ như gạo, chè… Nhưng chủ yếu dành cho xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, hiện chính phủ chưa có hệ thống chứng nhận nào cấp cho các sản phẩm hữu cơ.
Duy nhất có Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) được dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ ADDA phối hợp với TW Hội nông dân xây dựng dưới sự hướng dẫn của Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ Quốc Tế – IFOAM đang vận hành giám sát, thanh tra và cấp chứng nhận để bảo đảm chất lương nông sản hữu cơ cho thị trường nội địa.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung: “Dự án chúng tôi đã thiết lập một hế thống riêng bao gồm các bên liên quan tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Cùng nhau đảm bảo chất lượng, đảm bảo rằng sản phẩm thực sự được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được phát triển trong dự án của chúng tôi. Chúng tôi gọi đó là hệ thống đảm bảo có sự tham gia, gọi tắt là PGS”.
Biết cách để phân biệt
Theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Khi Nghị định này ra đời sẽ có những hệ thống cấp chứng nhận hữu cơ. Khi đó, việc kiểm soát chất lượng hữu cơ sẽ đảm bảo hơn. Người dân cũng dễ dàng hơn trong việc phân biệt sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ. Hữu cơ thật và hữu cơ giả. Trong thời gian chờ đợi, người tiêu dùng cần phải học cách để phân biệt.
Việc phân biệt bằng mắt thường là rất khó. “Ví dụ, với rau, trên đồng ruộng có thể thấy sự khác biệt. Rau hữu cơ trông không đẹp mắt. Cây cứng cáp hơn, lá dày hơn và có màu sắc đặc trưng tự nhiên. Rau không mềm mướt xanh rờn như rau thông thường. Tuy nhiên, nếu lấy cảm quan làm căn cứ để phân biệt rau “hữu cơ” với rau “an toàn” hoặc rau “thông thường” trên thị trường tự do, rất dễ bị nhầm lẫn”, bà Từ Thị Tuyết Nhung khẳng định.
Có một cách, đó là hệ thống chứng nhận cùng với các sản phẩm có gắn logo. Hoặc nhãn hiệu để đảm bảo rằng sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn nào đó.
Hiện Việt Nam duy nhất có hệ thống PGS đang đảm bảo chất lượng hữu cơ. Qua hệ thống PGS mới chỉ một số sản phẩm như rau, bưởi, nhãn được cấp chứng nhận hữu cơ PGS.
Để có thể lựa chọn được sản phẩm thực sự hữu cơ, người tiêu dùng khi mua sản phẩm, hãy xem kỹ trên bao bì những thông tin về sản phẩm. Chỉ nên mua các sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ PGS hoặc các chứng nhận quốc tế có uy tín được chấp nhận cho thị trường Châu Âu.
Riêng với PGS, sản phẩm được cấp chứng nhận PGS đều phải được đóng gói. Cùng với nhãn hiệu PGS in trên bao bì sản phẩm. Kèm theo các thông tin để truy xuất nguồn gốc như mã, tên liên nhóm và nhóm sản xuất.
Huy Khánh