Bố trí ánh sáng cho phòng khác thiếu hợp lý có thẻ gây ra những hệ lụy xấu.
Tận dụng đúng ánh sáng thiên nhiên
Tận dụng ánh sáng tự nhiên cho phòng khách, cũng như các không gian khác trong nhà, đang là một xu hướng tiết kiệm năng lượng trong thiết kế kiến trúc và xây dựng hiện nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ánh sáng mặt trời có cường độ ánh sáng thay đổi liên tục, khi quá sáng chói hoặc khi lại âm u nhiều mây sẽ khiến mắt phải điều tiết theo; do đó, mắt dễ bị mỏi và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về mắt.
TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, muốn tận dụng ánh sáng tự nhiên cũng phải có nguyên lý, nghĩa là việc bố trí ánh sáng trong nhà phải dựa theo năng lượng ánh sáng tự nhiên.
Ví dụ, ánh sáng do bóng đèn cung cấp trong phòng là 600 lux theo thiết kế, nhưng ban ngày, khi mở cửa, ánh sáng bên ngoài vào thêm 150lux chẳng hạn thì lúc đó ánh sáng trong phòng sẽ có cường độ là 600 + 150 = 750lux.
Nếu có thể sử dụng các thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng thì sẽ tự động giảm ánh sáng nhân tạo xuống còn 450lux và do đó ánh sáng trong phòng luôn đạt 600 lux theo yêu cầu; như vậy mắt người sẽ không phải điều tiết nhiều mà vẫn đảm bảo cường độ chiếu sáng cho các hoạt động sinh hoạt.
Tuy nhiên, các thiết bị điều chỉnh ánh sáng vẫn chưa thực sự được phổ biến trong các hộ gia đình và việc tận dụng ánh sáng tự nhiên chỉ có cách tạm thời phải dựa trên cảm nhận của người dùng là chủ yếu để điều chỉnh cho phù hợp.
Đèn chùm: Tốt nhưng tốn điện
Nhiều phòng khách hiện đại được lắp đèn chùm vừa có tác dụng chiếu sáng vừa để trang trí. Tuy nhiên, không ít gia đình khi đi vào sử dụng mới thấy đầu tư cả bộ đèn có đến vài chục triệu đồng nhưng chỉ để ngắm, vì bật lên sáng quá thì sợ tốn điện, mà bật chế độ yếu thì đèn lại lờ mờ rất khó chịu.
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, đèn chùm chủ yếu sử dụng bóng đèn sợi đốt, cho chất lượng ánh sáng tốt nhưng đây cũng chính là lý do vì sao đèn chùm lại tốn điện. Ngoài ra, khi mắc đèn chúng ta thường chỉ chú ý mắc sao cho đẹp, cho hợp lý chứ ít điều chỉnh cường độ chiếu sáng để đảm bảo ánh sáng vừa mắt.
Còn KS Nguyễn Phan Sơn, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Hoàng Gia cho biết, đèn chùm chủ yếu có ý nghĩa trang trí, nhưng để thực hiện công năng chiếu sáng cần có sự tư vấn của chuyên gia để điều chỉnh độ sáng phù hợp, vừa làm tôn vẻ đẹp của kiến trúc nội thất, vừa hài hòa với mắt người.
BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết: Sinh hoạt trong điều kiện thừa hay thiếu ánh sáng quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mắt, gây các bệnh về thị lực. Khi ánh sáng có cường độ lớn chiếu và phản xạ vào mắt thì đồng tử sẽ nhỏ lại để điều tiết ánh sáng và ngược lại, vì vậy việc bố trí ánh sáng không phù hợp lâu dài sẽ ảnh hưởng thị giác. Để đảm bảo chiếu sáng khoa học, hợp lý và có tính thẩm mỹ, tốt nhất nên có sự tìm hiểu cũng như sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực chiếu sáng.
Sáng, đẹp, thẩm mỹ
KS Nguyễn Phan Sơn cho rằng, có thể dùng đèn chùm làm nguồn sáng chính ở trung tâm sẽ giúp phòng khách luôn có đủ ánh sáng, đồng thời cũng thể hiện sự sang trọng, tinh tế trong thiết kế kiến trúc. Bên cạnh đó, đèn âm trần cũng nên được lựa chọn để tạo một ánh sáng nền vừa phải, cân bằng với ánh sáng đèn chùm.
Phòng khách cũng sẽ trở nên ấn tượng hơn khi lựa chọn đèn rọi cho những bức tranh hoặc sử dụng ánh sáng chiếu hắt trong các hốc tường trần nhà. Các loại đèn hắt cũng rất phù hợp cho những tác phẩm nghệ thuật treo tường bởi hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời của chúng. Để chiếu sáng một khu vực độc lập, bạn có thể sử dụng các đèn tụ, đèn treo thả trần…
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng kết hợp các loại đèn khác nhau như nguồn sáng chính hay nguồn sáng bổ sung cho phòng khách đều cần sự tính toán sao cho đảm bảo yếu tố chiếu sáng vừa mắt, đồng thời phải đảm bảo tính thẩm mỹ, làm toát lên vẻ đẹp của các yếu tố kiến trúc nội thất. Để làm được điều đó, rất cần sự tư vấn của các chuyên gia thiết kế chiếu sáng nội thất, nếu không muốn việc sử dụng đèn chiếu sáng trở nên hỗn loạn, rối rắm.
Huy Khánh