Chiến sĩ áo trắng và hành trình bền bỉ… cứu trẻ

Tôi đọc được đâu đó câu nói rằng: “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ”. Trong các nghề nghiệp ở xã hội này, nghề y là một trong những nghề cần nghị lực và sự bền bỉ hơn mọi nghề.

Y đức là phẩm chất tốt đẹp nhất của những người thầy thuốc, được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ và hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh từng giờ, từng ngày. Xã hội tôn vinh và ca ngợi những y, bác sĩ Việt Nam không chỉ ở tài năng mà còn ở tấm lòng y đức.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin kể lại câu chuyện của chính con gái tôi, như một cách để gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự tôn trọng đến những y, bác sĩ đã đồng hành cùng con gái tôi nói riêng, người đang công tác trong ngành y nói chung.

Cú ngã để đời...

Vào một ngày giữa tháng 5 năm ngoái, do nghịch ngợm, con gái thứ hai của tôi (lúc đó mới 19 tháng tuổi) bị ngã. Cú ngã tưởng chừng đơn giản ấy khiến con gái tôi bị gãy đầu trên xương quay tay phải, một vị trí khá hiểm vì nó nằm ở chính khớp khuỷu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gập duỗi khuỷu tay của con sau này. Sau những ngày thăm khám tại bệnh viện, chúng tôi sốt ruột chờ đợi đến khi xương liền lại để có thể tập vận động cho con.

nghe-y.jpg
Con gái tôi đau đớn vô cùng đau đớn khi thực hiện tập luyện ở nhà.

Nhìn tay con bé sưng vù, lại gãy chỗ khuỷu tay, hàng xóm, bạn bè tới chơi nhà kể nhiều trường hợp tương tự và gần như trường hợp nào cũng để lại dị tật ở tay. Tức là, con gái mới 19 tháng tuổi của tôi khả năng cao sẽ phải sống cả đời với cái tay phải không lành lặn… Quá nhiều nỗi lo xuất hiện trong đầu, vốn đã sốt ruột, tôi lại càng như ngồi trong đống lửa.

Khi tay con hết sưng, gia đình tôi lên kế hoạch thay nhau tập luyện cho con bé. Nhưng than ôi! tay con bé cứng đơ, nó đau đớn vô cùng, gần như không cho bất kỳ ai đụng chạm vào. Sau thời gian dỗ dành không được, chúng tôi thực hiện biện pháp mạnh, “ép” nó phải tập. Nó sợ đến ám ảnh, còn chúng tôi nghe con khóc mà nhói lòng. Những bữa tối lặng thinh, sau giờ tập tay cho con, khiến tôi nhận ra rằng, không phải ngẫu nhiên rất nhiều đứa trẻ bị gãy tay như con tôi phải chấp nhận lớn lên với cái tay dị tật. Nhưng tôi không muốn chấp nhận…

Thế rồi, duyên may đã đến với tôi, qua một người anh thân thiết, tôi gặp được ThS y tế cộng đồng Nguyễn Đình Đạt - Kỹ thuật viên phục hồi chức năng, làm việc tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi T.Ư, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hồi chức năng trẻ em. Vào đúng thời điểm, cả Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của thành phố, tôi chỉ trao đổi được về tình hình của con gái mình với anh qua điện thoại…

Với những kinh nghiệm của mình, anh như thấu hiểu những lo lắng, hoang mang của tôi, anh đưa ra phác đồ điệu trị phù hợp cho con gái tôi. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, trong khi chờ phòng khám của anh hoạt động trở lại sau khi hết giãn cách xã hội, anh hướng dẫn tôi tỉ mỉ cách thực hiện tại nhà. Hằng ngày, qua room, zalo, facetime… tóm lại là tất cả mọi hình thức mà chúng tôi có thể kết nối online với nhau, anh gọi cho tôi kiểm tra cách thực hiện và kết quả.

Bước đầu thấy con gái mình có thể đáp ứng, đồng ý phối hợp với bố mẹ để tập luyện, tôi thầm cám ơn anh - phao cứu sinh của con gái tôi. Giữa những hỗn mang trong lòng, tôi đã nhìn thấy hy vọng, đống lửa trong lòng tôi nguội dần…

Hành trình lấy lại cánh tay lành lặn

Và rồi Hà Nội dỡ bỏ các lệnh giãn cách xã hội, tôi đưa con gái mình đến Phòng khám Chuyên khoa phục hồi chức năng trẻ em- CHILDREH, số 14 Pháo Đài Láng, để gặp anh. Lần đầu chính thức gặp mặt, nhưng anh đã như một thành viên trong gia đình tôi và là bạn con gái bé bỏng, đáng thương của tôi trong suốt 2 tháng trời. “Chào bác Đạt!” (con gái tôi bi bô), “chào anh!... chào em!”… chúng tôi chào nhau như gặp lại một người quen, rất quen!

nghe-y-1.jpg
Anh Đạt luyện tập kéo giãn nhằm gia tăng tầm vận động khớp cho con gái tôi.

Con gái tôi bắt đầu hành trình luyện tập tại phòng khám của anh, từ những bài tập đơn giản như ở nhà đến những bài tập kéo giãn nhằm gia tăng tầm vận động khớp nặng nề. Có lúc anh Đạt trực tiếp tập cho con, cũng có lúc là các cô chú trong ê kíp của anh. Ban đầu, tôi có chút lo lắng, trong thâm tâm luôn muốn anh trực tiếp thực hiện các thao tác cho con, nhưng rồi nỗi lo ấy cũng tan biến. Sự tỉ mỉ, tận tụy từng li từng tí và nhất là thái độ vui vẻ, cởi mở của các nhân viên phòng khám khiến tôi yên tâm trao con mình cho họ và chờ đợi kết quả…

Điều đáng nói, khi trực tiếp đến phòng khám tôi mới thấy, trường hợp của con gái mình thuộc nhóm đơn giản, dễ phục hồi, cũng không phải chỉ mình tôi cảm nhận được rằng anh như một người bạn của gia đình. Anh là bạn của rất nhiều đứa trẻ thiếu may mắn, bởi anh gắn bó với chúng đâu chỉ ngày một, ngày hai…

Hầu hết, các bé đến đây đều bị bại não, chậm phát triển, rối loạn phát triển, tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động và nhận thức. Nuôi dạy một đứa trẻ bại não là một cuộc hành trình gian nan cho những gia đình thiếu may mắn. Tôi nghĩ rằng anh Đạt và những người như anh đã rất dũng cảm để lựa chọn hành trình gian nan này. Bên trong họ có một nghị lực không hề nhỏ mới có thể bền bỉ trong hành trình nghề nghiệp của mình…

nghe-y-2.jpg
Em Hiếu, một nhân viên phòng khám, thân mật, vừa trò chuyện, vừa tập luyện cho một bé trai bị vẹo cổ.

Có lần tôi thấy một nhân viên băng bó ở tay, vẫn tập luyện cho các bé, hết bé này đến bé khác. Hỏi ra mới biết, bạn ấy bị viêm cơ tay. Hóa ra, đôi bàn tay ấy đã luôn cố gắng quá tận tụy để trao hy vọng cho rất nhiều đứa trẻ bất hạnh nhanh chóng phục hồi, hòa nhập cộng đồng…

Sau 6 tháng kiên trì, hành trình của con gái tôi gần như đã hoàn thành. Hằng ngày, vẫn là dưới sự hướng dẫn của anh, gia đình tôi duy trì tập cho con ở nhà, hằng tuần, đến phòng khám kiểm tra, đánh giá kết quả một lần.

Hôm nay, trời rét căm căm, Hà Nội chỉ 8 độ C, đấu tranh tư tưởng mãi tôi mới chui ra khỏi chăn để chuẩn bị đi làm. Nhìn đứa con gái bé bỏng hơn 2 tuổi của tôi nằm cuộn trong chăn, say giấc nồng, với cánh tay lành lặn, khỏe mạnh, lòng tôi trào lên một cảm giác sung sướng không tả nổi. Bỗng nhiên, tiếng chuông điện thoại reng reng, giọng nói ấm áp, quen thuộc: “Alo em à, hôm nay là lịch khám lại của con đấy nhé!”…

Tôi bỗng nghĩ đến và có lẽ thật sự cảm hiểu câu nói của Seneca: “Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ; còn sự tử tế của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình”.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin được gửi tới anh và những y, bác sĩ tận tâm như anh sự biết ơn sâu sắc. Với sự nhiệt huyết cùng với chuyên môn của mình, các anh, những chiến sĩ áo trắng đã và đang truyền những dòng năng lượng cho những đứa trẻ khiếm khuyết, thiếu may mắn trong cuộc đời này có cơ hội để hòa nhập với cộng đồng, góp thêm cho cuộc đời này những tiếng cười và cũng làm ấm lòng rất nhiều những ông bố, bà mẹ đang sống giữa những hoài nghi, lo lắng về cuộc đời bất hạnh của con mình...

Nguyễn Duy Quân (Khu đô thị Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội)

Theo VietnamDaily
back to top