Chìa khoá thành công của Google

Hiện Google đã thành lập công ty mẹ mang tên Alphabet. Bộ máy nhân sự cũng theo đó mà cơ cấu hướng đến mục đích phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong công việc.

 Một ý tưởng công nghệ đột phá, một môi trường phát triển tốt cùng với sự đầu tư mạo hiểm và chiến lược kinh doanh, truyền thông đúng đắn có thể sẽ cho ra đời một sản phẩm mang tính cách mạng…

Người đứng đầu vĩ đại

Google được hình thành và phát triển tại trung tâm công nghệ cao hàng đầu nước Mỹ – thung lũng Silicon.

Năm 1998, với ý tưởng ban đầu về một công cụ tìm kiếm dựa vào phân tích các liên hệ giữa các website, hai nghiên cứu sinh trường đại học Stanford là Larry Page và Sergey Brin đã thành lập nên Google. Chỉ vỏn vẹn vài chục triệu USD đầu tư ban đầu, cho đến nay giá trị của Google đã lên tới 100 tỷ USD.

Hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin.

Larry Page và Sergey Brin được xem như biểu tượng về sự kết nối điện toán thông minh và hệ thống nhất từ trước tới nay. Tính trung bình, mỗi ngày Google có khoảng 1 tỷ lượt truy cập. Đó là chưa kể các dịch vụ khác như Youtube, Google map…

Cả hai người đều thông minh theo kiểu “con nhà nòi”, một tĩnh lặng chỉn chu, một mạnh mẽ mới mẻ đã tạo nên một bản ghép hoàn thiện trong kinh doanh cũng như quản lý bộ máy khổng lồ với hàng ngàn nhân sự.

Sự sáng tạo

Đây có thể coi là  điều mấu chốt trong sự thành công của Google. Từ ý tưởng kết nối các trang web với nhau thông qua một công cụ tìm kiếm, tới nay Google đã có hàng trăm phát minh và dường như luôn đi đầu trong giới công nghệ.

Ông Eric Schmidt, Giám đốc điều hành tập đoàn Google cho biết: “Tại Google, chúng tôi luôn ưu tiên khuyến khích sự sáng tạo của từng cá nhân. Mỗi kỹ sư làm việc tại Google đều được đề nghị và khuyến khích dành 20% thời gian làm việc của mình để nghĩ về những thứ mà họ cho là thú vị chứ không phải những thứ mà chúng tôi cho là thú vị”.

Đầu tư thông minh

Hiện Google đã thành lập công ty mẹ lấy tên là Alphabet và được phân chia thanh hai mảng hoàn toàn khác nhau. Một bên là “con bò sữa” chuyên kiếm tiền. Một bên là những dự án “điên rồ” đang trong thời gian thử nghiệm.

Theo đó, Google đã khuấy động thế giới công nghệ với một đợt tái cấu trúc lớn. Theo đó Google mà chúng ta biết từ trước đến nay sẽ đổi thành công ty mẹ Alphabet, còn cái tên “Google” giờ chỉ dùng để chỉ một công ty con với các mảng kinh doanh cốt lõi như Search, Android, YouTube, Chrome, Gmail, Google+… Các công ty khác cùng nằm dưới sự quản lý của Alphabet bao gồm những đơn vị mà Google từng thành lập trước đây, chẳng hạn như Calico (dự án kéo dài tuổi thọ), Wing (công ty giao hàng bằng drone), Life Sciences (kính sát tròng đo đường máu) và nhiều cái tên khác. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào?

Google không phải là công ty công nghệ duy nhất tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn. Trước đây Microsoft, IBM, AT&T hay General Electrics cũng đều trải qua những giai đoạn như thế này, và tất cả đều nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn duy trì sức sáng tạo và không để những ý tưởng thất bại giết chết mình. Ở bề nổi, sự khác biệt giữa Google mới và cũ chỉ nằm ở cái tên. Nhưng thật sự thì mọi thứ phức tạp hơn khá nhiều, và nó có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của Google.

Điểm mấu chốt để thu hút cũng như giữ chân các nhà đầu tư ở đây đó chính là việc tách Google ra làm hai mảng rạch ròi sẽ giúp minh bạch hoá tài chính. Bên “bò sữa” sẽ kiếm tiền và nuôi những dự án đang thử nghiệm. Tuy nhiên các dự án thử nghiệm này cũng được tách ra rạch ròi để thành lập những công ty con. Nhờ đó, các nhà đầu tư có thể dễ dàng lựa chọn dự án để tham gia cũng như theo dõi mức độ phát triển. Ngoài ra Google cũng rất thông minh khi hạn chế quyền kiểm soát của nhà đầu tư có cổ phần lớn. Bởi những dự án ấy có vẻ điên rồ nhưng chưa ai biết trước kết quả sẽ như thế nào. Và hẳn nhiên  không một nhà đầu tư nào có quyền loại bỏ dự án đó khi nó đã trở thành mọt công ty độc lập.

Công thức thành công của Google cũng chính là câu trả lời cho sự phát triển vượt bậc của nơi được coi như miền đất hứa này – thung lũng Silicon, đó là: Một ý tưởng công nghệ đột phá, một môi trường phát triển tốt cùng với sự đầu tư mạo hiểm và chiến lược kinh doanh, truyền thông đúng đắn có thể sẽ cho ra đời một sản phẩm mang tính cách mạng.

Hoàng Bách (tổng hợp)

Theo Đời sống
back to top