Check- in 7 địa điểm tham quan lý tưởng tại Hà Nội dịp nghỉ lễ 2/9

Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm 2023 kéo dài 4 ngày là thời điểm vô cùng thích hợp để “set kèo” một chuyến du lịch Hà Nội. Dưới đây là một số địa điểm vui chơi hấp dẫn ở Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 2/9.

Quảng trường Ba Đình - Lăng Bác

Dịp Quốc khánh, Quảng trường Ba Đình - Lăng Bác là nơi nhiều người dân cả nước hướng về bởi tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Khi viếng thăm Lăng Bác, du khách không chỉ được tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chiêm ngưỡng các kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mà còn được tham quan nhà sàn, vườn cây, ao cá - nơi Bác Hồ từng làm việc và sinh hoạt.

Bên cạnh đó, một trong những trải nghiệm khi đến Lăng Bác là xem lễ thượng cờ.

Ảnh Ban quản lý Lăng

Ảnh Ban quản lý Lăng

Nếu không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc thiêng liêng này, bạn nên đến sớm một chút bởi đoàn nghi lễ sẽ bắt đầu lúc 6h sáng.

Nhà thờ Lớn Hà Nội

Ảnh VnTrip

Ảnh VnTrip

Nhà thờ Lớn là một trong những công trình biểu tượng của Thủ đô. Không chỉ thu hút khách du lịch, ngay người dân ở Hà Nội cũng thường xuyên ghé tới đây. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi kiến trúc đậm chất Gothic, vừa tráng lệ, vừa cổ kính.

Ngoài ra, Nhà thờ Lớn còn nằm ngay ở khu phố trà chanh sầm uất Nhà thờ - Lý Quốc Sư - địa điểm rất hợp để tụ họp "tám chuyện" cùng bạn bè.

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Ảnh Traveloka

Ảnh Traveloka

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình - Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

Nằm giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của ông cha ta trong thời kỳ chiến tranh giữ nước.

Ảnh Traveloka

Ảnh Traveloka

Bởi vậy, cứ đến dịp nghỉ lễ 2/9, rất nhiều gia đình, các bạn trẻ cả nước cùng du khách từ mọi miền đất khác nhau chọn Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò là điểm đến tham quan.

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, có quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương lấy tên là “Nhà tù Trung ương”, từng là nơi thực dân Pháp giam cầm hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam.

Năm 1997, Nhà tù Hỏa Lò được công nhận là di tích lịch sử, trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô; nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Hòa bình lập lại, "phần lõi" của Nhà tù Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành di tích lịch sử văn hóa. Trên diện tích hơn 2,3 nghìn mét vuông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý, giới thiệu về quá trình hình thành nhà tù, về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại đây.

Chùa Trấn Quốc

Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất ở Thủ đô với lịch sử gần 1500 năm. Được tọa lạc tại Hồ Tây nên chùa Trấn Quốc sở hữu khung cảnh vô cùng thơ mộng.

Chùa Trấn Quốc. Ảnh VinWonders

Chùa Trấn Quốc. Ảnh VinWonders

Một trong những công trình nổi tiếng của chùa Trấn Quốc chính là tòa Bảo Tháp 11 tầng với chiều cao lên tới 15m. Bên trong mỗi tầng của tòa Bảo Tháp được đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh của tòa tháp cũng là đài sen 9 tầng cũng được làm bằng đá quý.

Hồ Gươm và khu phố cổ Hà Nội

Hồ Gươm là một địa điểm vui chơi quen thuộc và gần gũi tại Hà Nội mà chúng ta không thể bỏ lỡ trong kỳ nghỉ lễ 2/9.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xung quanh khu vực Hồ Gươm có rất nhiều nơi để du khách có thể ghé qua chẳng hạn như đền Ngọc Sơn ngay trên một hòn đảo nhỏ của Hồ Gươm, kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, Tháp Rùa, Tháp Bút, cầu Thê Húc hay ngay gần đấy, du khách cũng có thể đi bộ ra Nguyễn Xí, Đinh Lễ để chọn cho mình một bộ sách thật hay...

Cùng với đó, khu phố cổ Hà Nội cũng là một trong những địa điểm du lịch đầy thú vị và hấp dẫn với du khách xa gần. Phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và phía Bắc của hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây tập trung đông dân cư sinh sống với 36 phố phường. Mỗi con phố ở đây chủ yếu tập trung bán một loại mặt hàng nhất định.

Muốn tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa và con người Hà Nội xưa thì bạn đừng bỏ qua Phố cổ. Lang thang ở khu phố và thưởng thức ẩm thực Phố cổ như phở Bát Đàn, chả cá Lã Vọng, bún chả hàng Mành, mì vằn thắn Đinh Liệt, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng… sẽ khiến kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 thêm ấn tượng.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa và đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh Vinpearl

Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh Vinpearl

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc văn hóa hàng đầu và là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô được. 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại.

Theo Đời sống
Ấm áp tình người trong bão, lũ

Ấm áp tình người trong bão, lũ

Với tinh thần “tương thân tương ái”, người dân cả nước đã chung tay ủng hộ người dân ở các tỉnh đang phải căng mình đối phó với bão, lũ lịch sử.
back to top