Cần đề phòng cao nguy cơ virus biến thể xâm nhập
Trước thực trạng đã có bệnh nhân bị nhiễm chủng virus biến thể dễ lây lan vào Việt Nam (bệnh nhân 1435 từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020) và hiện biến thể mới của virus corona với khả năng lây lan nhanh hơn, Bộ trường Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị dừng tổ chức và hạn chế chuyến bay từ quốc gia có biến thể virus corona.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay đã có hơn 40 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến - đi từ Anh và các quốc gia có ghi nhận biến thể mới của virus corona.
Bộ Y tế yêu cầu từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành y tế các địa phương mở đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là chú ý kiểm soát nhập cảnh, mở rộng xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. |
Cùng với đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến Tết Nguyên đán, tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 cho chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 sẽ tổ chức 5 đoàn thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế đối với chuyên gia (người thân), công dân Việt Nam nhập cảnh tại các địa phương nói trên. Thời gian kiểm tra, làm việc từ ngày 4 - 22/1/2021.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp cảnh báo cho hay, chúng ta cần phải nâng cao mức cảnh giác và đề phòng cao hơn nữa trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có thể lây lan nhanh hơn tới 70% so với các chủng trước đó. Hiện nay, trong nước tuy tình trạng vẫn được kiểm soát tốt, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chủng biến thể mới của virus xâm nhập được cách ly ngay khi nhập cảnh nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Đặc biệt lưu ý trong thời gian tới nhu cầu đi lại tăng lên rất lớn, để phòng tránh, ngoài việc thực hiện tốt biện pháp phòng dịch 5K, cần phải thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn về du lịch.
Có giải pháp để người dân tiếp cận văcxin Covid-19 sớm nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19: Công ty TNHH một thành viên Văcxin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Văcxin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Văcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).
|
Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm văcxin phòng Covid-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25mcg và 50mcg trên người tình nguyện). Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường; IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu văcxin Covid-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam và đã họp bàn ngày 4/1 để thử nghiệm trong tháng 1 này.
Cùng với đó, TS Trương Quốc Cường cho biết, hiện Việt Nam đang đàm phán mua văcxin AstraZeneca (Anh); Pfizer (Mỹ) và văcxin Sputnik V (Nga). Trong khi đó, thông tin về văcxin của Trung Quốc không được đề cập. Hiệu quả của các loại văcxin là khác nhau. Thấp nhất là loại 65%, còn cao nhất là loại 94,5%. Trung bình là 80 - 90%.
Hiện Việt Nam đang có kết quả gần nhất với công ty của Anh để mua văcxin AstraZeneca: "Chúng ta đã ký với họ đảm bảo văcxin cho 15 triệu dân, khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý I đến quý IV sẽ có văcxin. Phía Công ty Pfizer cũng đặt ra lộ trình đến quý IV này sẽ giao văcxin cho Việt Nam. Với văcxin của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc Bộ Y tế.
Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, việc mua văcxin còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng… Hơn nữa, ngoài văcxin thương mại, trên thế giới còn có Liên minh toàn cầu về văcxin và Tiêm chủng (GAVI), mua văcxin của một số công ty, để cung cấp cho 90 nước trong đó có Việt Nam. văcxin này sẽ cung cấp cho khoảng 16% dân số thế giới, với giá rẻ nhất có thể được. Trong quý I, Bộ Y tế sẽ có đầy đủ thông tin lên kế hoạch về vấn đề này.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 4/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển văcxin và có giải pháp để người dân tiếp cận văcxin phòng dịch Covid-19 sớm nhất. Văcxin chúng ta chưa sản xuất được nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo phải mua văcxin cho người dân.
Tư vấn về việc tiếp cận và tiêm văcxin phòng chống Covid-19 như thế nào cho đúng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện chưa có văcxin về Việt Nam nên phương án triển khai cũng chưa được bàn kỹ. Theo nguyên tắc vẫn là ưu tiên đối với những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền... và những người ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch như cán bộ quốc phòng, công an, nhân viên y tế.. .sau đó mở rộng ra các đối tượng khác và tiến tới tất cả người dân đều có văcxin. Việc triển khai tiêm văcxin sẽ phụ thuộc và số lượng và tiêu chuẩn, hiệu quả... của văcxin. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, kể cả khi đã tiêm văcxin người dân vẫn cần thực hiện tốt biện pháp 5K để phòng chống dịch.