Chân dung nhà thầu xây cầu Yên Hòa Thang Long Meco

Thang Long Meco vốn dĩ là thành viên thuộc Tổng Công ty Thăng Long, sau đó vốn nhà nước được thoái dần và hoàn toàn hết vào năm 2016. Vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Lê Hồng Chiến nắm giữ nhiều năm đã chính thức chuyển giao cho ông Hồ Ngọc Anh.

Vào các công trình trọng điểm

Như Khoa học và Đời sống số 1-2022 đã thông tin, Công ty CP - Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long (Thang Long Meco) là nhà thầu duy nhất lọt danh sách đáp ứng về kỹ thuật cho gói thầu xây lắp cầu Yên Hòa (thuộc dự án xây dựng cầu Yên Hòa) và sau đó được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Quản lý dự án) lựa chọn trúng thầu gói thầu xây lắp dự án xây dựng cầu Yên Hòa (Hà Nội).

Quá trình lựa chọn nhà thầu cho thấy, ngày 20/8/2020, Ban Quản lý dự án đã chỉ định Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Bắc Á là đơn vị tư vấn cho gói thầu xây lắp này. Đến ngày 9/11/2020, Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Bắc Á có báo cáo quan trọng. Trong đó, xác định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chỉ có Thang Long Meco (theo quyết định ngày 5/11/2020 của Ban Quản lý).

Đánh giá về tài chính, đơn vị này cũng xác định Thang Long Meco được xếp hạng 1, với giá dự thầu là 24,479 tỷ đồng, giá dự thầu sau khi trừ giá trị giảm giá (nếu có) 24,479 tỷ đồng.

Công ty Bắc Á nhận xét: “Quá trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả (tỷ lệ giá dự thầu giảm 2,002% so với giá gói thầu được phê duyệt). Không có trường hợp chưa đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Tìm hiểu cho thấy Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Bắc Á được thành lập năm 2009, đặt trụ sở tại số 45, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Doanh nghiệp này do ông Lê Văn Hùng đại diện theo pháp luật.

Ngoài thi công cầu Yên Hòa, Công ty Thang Long Meco còn thi công xây dựng hàng loạt công trình quan trọng trên địa bàn TP Hà Nội từ nhiều năm trở lại đây.

Như tại gói thi công xây dựng cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên, Công ty Thang Long Meco đã liên danh với Công ty CP nhà X4 tham gia thầu và “đánh bại” nhiều nhà thầu khác để được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội chọn trúng thầu.

Cụ thể, gói thầu này Liên danh Thăng Long Meco – Công ty CP nhà X4 trúng với giá 157,676 tỷ đồng, theo đơn giá cố định. Có 3 nhà thầu lớn khác được Ban Quản lý thông báo trượt thầu.

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Thành Long đến từ Hưng Yên bị loại là do không vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật theo quy định.

Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính (Tầng 3, nhà A1-A2, khu VP và nhà ở cao cấp Vinaconex 1, số 289A đường Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trượt do không vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

Còn Tổng Công ty Thăng Long – Công ty CP (72 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) không được lựa chọn do “hồ sơ đạt yêu cầu về kỹ thuật, có đề xuất về tài chính xếp hạng thứ hai”.

Hay Thăng Long Meco còn thi công cầu vượt tại nút giao giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và đường Láng với tổng giá trị gói thầu là 110 tỷ đồng; Thi công cầu vượt nút Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã với giá trị 39,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thang Long Meco còn thi công một số công trình trọng điểm khác trên địa bàn TP Hà Nội gồm: Thi công xây dựng cầu vượt bằng thép tại các nút giao trong thành phố như cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà, cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn, cầu vượt tại nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng, cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái;

Không chỉ có tại Hà Nội, Thang Long Meco còn trúng thầu và thi công nhiều công trình giao thông vốn ngân sách khác gồm: Cầu vượt thép ngã ba Vũng Tàu; cầu vượt tại nút giao Thủ Đức, cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh, cầu vượt nút giao Cây Gõ, cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm tại TPHCM; cầu Rạch Chiếc, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã ba chợ Con, cầu vòm thép nút giao giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng; cầu Bến Tượng Thái Nguyên; cầu Phật tích Bắc Ninh.

cauyenhoa.jpg
Thang Long Meco là đơn vị trúng gói thầu xây lắp dự án xây dựng cầu Yên Hòa.

Thang Long Meco thuộc về ai?

Thang Long Meco đặt trụ sở tại xã Hải Bối, Huyện Đông Anh, TP Hà Nội, tiền thân là thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, thành lập ngày 26/8/1974 với tên gọi ban đầu là Công ty Cơ giới 4.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, năm 2004, Công ty chuyển đổi hoạt động sang công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty CP Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long. Công ty được tư nhân hóa hoàn toàn khi Tổng Công ty Thăng Long thoái nốt 5% vốn vào năm 2016.

Đến tháng 8/2017 chính thức được đổi tên từ Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long thành Công ty CP – Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long.

Từ năm 2020, ông Hồ Ngọc Anh (SN 1976) đã chính thức thay thế ông Lê Hồng Chiến (SN 1966) để đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật cho Thang Long Meco.

Năm 2020 doanh thu của Thang Long Meco đạt 574,507 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế là 1,883 tỷ đồng. Tổng giá trị các hợp đồng mới Thang Long Meco ký kết là 676,8 tỷ đồng, trong đó có: Hợp đồng Cầu Rào 1; Hợp đồng đường sắt gói 05, 08, 10; Hợp đồng cầu Yên Hòa;…

Công ty CP - Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long là nhà thầu duy nhất lọt danh sách đáp ứng về kỹ thuật cho gói thầu xây lắp cầu Yên Hòa. Sau đó được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội lựa chọn trúng thầu.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top