Theo đó, việc hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án giao thông lớn là một trong những sự kiện được Hà Nội xếp vào sự kiện tiêu biểu.
Cụ thể như: đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm, nút giao đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long,..
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 13 năm triển khai và trải qua nhiều đời Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao UBND TP Hà Nội và chính thức đi vào khai thác thương mại ngày 6/11. Đây là mốc lịch sử bởi là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội cũng như của cả nước được đi vào hoạt động.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài là 13,05km, toàn bộ đi trên cao. Điển đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao.
Tổng mức đầu tư ban đầu phê duyệt (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng, đến năm 2016, 2017 (QĐ 51/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016, QĐ 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017) được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng).
Dự án sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng.
Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu); Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng – Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh; Tư vấn đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống là Liên danh tư vấn Apave – Certifer – Tricc (tư vấn ACT).
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, trải qua 12 lần “vỡ tiến độ”. Về giá vé khi khai thác thương mại, UBND TP Hà Nội đã thống nhất giá vé tháng 200.000đ/vé/tháng; vé ngày 30.000đ/vé/ngày; vé lượt từ 8.000 - 15.000đ/vé/lượt (tùy theo chiều dài chặng khách đi).