CEO Nguyễn Tiến Định: Xuất khẩu cà phê Việt mang tiền về quê

Nguyễn Tiến Định - chàng trai phố núi bỏ vị trí Sales Manager của công ty ở Malaysia quay về Gia Lai đặt những viên gạch đầu tiên cho một nhà máy sản xuất cà phê, mong muốn tạo thêm việc làm cho dân địa phương, thu hút nhân lực trẻ.

Bỏ ngang công việc ổn định ở Malaysia, khởi nghiệp cà phê… và rồi Covid-19 ập đến

Sinh ra tại mảnh đất Hải Dương, nhưng năm 6 tuổi anh Nguyễn Tiến Định đã theo cha mẹ vào làm kinh tế tại Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Lớn lên trong nắng gió, đầy khó khăn đã giúp chàng trai trẻ có nhiều nghị lực với ước mơ vào đại học làm thay đổi cuộc sống.

Năm 2017, khi về thăm cha mẹ, anh Định cảm nhận được nỗi khổ của người dân làm cà phê. Định nghĩ đến làm điều gì đó để tăng năng suất cà phê cho gia đình và giúp người nông dân ở thôn quê đỡ khổ. Từ những suy nghĩ đó, Nguyễn Tiến Định đã bỏ việc làm ổn định ở Malaysia về khởi nghiệp với hạt cà phê.

Kể lại quá trình chọn cà phê khởi nghiệp, anh Định cho biết: “Nhờ có cơ hội được đi nhiều chuyến công tác trong quá trình làm việc và có duyên được gặp gỡ với những người anh lớn trong làng cà phê đặc sản, với kỹ năng truyền cảm hứng tuyệt vời của họ, mình si mê cà phê từ lúc nào cũng không hay”.

Khi tìm hiểu sâu hơn về cà phê, anh Định càng thấy yêu thích nó, và lúc này không chỉ dừng lại là muốn ba mẹ có thu nhập tốt hơn từ cà phê, muốn những người nông dân có thu nhập tốt hơn từ việc nâng cao chất lượng cà phê. Mong ước lớn hơn là xuất khẩu cà phê Việt tại ngay quê hương vì chúng ta đang có lợi thế rất lớn về sự đa dạng sản phẩm, chi phí sản xuất thấp....

“Vậy rồi khi mình chia sẻ về đam mê và khát vọng với một người chị, đã được chị động viên và cũng trở thành nhà đầu tư thiên thần đầu tiên của mình. Quá trình kinh doanh cà phê của mình bắt đầu từ đó, tháng 10/2018 và rồi Công ty CP VCU ra đời”.

Hành trình khởi nghiệp của chàng trai phố núi bắt đầu từ đó, một tay ngang rẽ lối lập nghiệp nên mọi thứ đến với anh ngổn ngang.

“Giống như nhiều startup khác, mình cũng tay ngang, đang làm công ty bước ra khởi nghiệp, thiếu kiến thức nên gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. Khi mọi chuyện không suôn sẻ, đôi khi ngay cả bạn cũng sẽ mất niềm tin ở chính mình chứ đừng nói những người xung quanh. Cô đơn, không có người chia sẻ là một trong những áp lực lớn của những người trẻ khởi nghiệp.”

Khi sản phẩm dần chinh phục thị trường và bước vào giai đoạn sản xuất ổn định thì dịch Covid-19 ập đến. Mọi khâu sản xuất, bán hàng đều phải tạm dừng.

CEO VCU chia sẻ: “Đây là thời điểm khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp của tôi. Vốn sản xuất đã được một người quen ở thành phố Đà Nẵng giúp, công nhân sản xuất cũng đang vào guồng quay ổn định. Mỗi tháng cũng cho thu nhập từ 300 triệu trở lên. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, dịch ập đến mọi thứ trở nên rất khó khăn”.

“Giải tán công ty chỉ là chuyện sớm muộn” – anh Định tuyệt vọng khi nhớ về những ngày tháng dịch kéo dài.

Chuyển hướng thương mại điện tử, đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ

Lên dây cót lấy lại tinh thần, tranh thủ những ngày giãn cách xã hội, anh Định tiếp tục nghiên cứu thị trường trên hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục thử nghiệm cho ra những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Từ một người không biết gì, bước vào thương mại điện tử như vướng vào mớ bòng bong: từ việc đăng ký tài khoản như thế nào, ship hàng ra sao, phí gửi cao hay thấp, gửi ở đâu, tiền về như thế nào, bao lâu về... Tất cả đều bắt đầu từ những bước chân đầu tiên, phải làm, phải vướng thì mới biết và nhớ được.

Lô hàng xuất khẩu đi Philippines của Công ty CP VCU.

Lô hàng xuất khẩu đi Philippines của Công ty CP VCU.

Anh bắt đầu tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử để đăng sản phẩm của công ty. Sau hơn 10 ngày lập tài khoản, đơn hàng đầu tiên đã xuất hiện.

Ý tưởng lóe lên, thương mại điện tử chính là “chìa khoá” để thay đổi tình thế đóng băng do dịch bệnh. Thế là anh lao vào nghiên cứu kỹ lưỡng và cực kỳ bài bản. Nhờ những kiến thức tự học được, chàng trai này đã cứu sống công ty qua giai đoạn khó khăn nhất.

Dần dần anh Định còn chia sẻ những kiến thức về thương mại điện tử cho những người bạn thông qua trang Facebook cá nhân và từ đó lượng theo dõi anh được tăng cao.

Những bài viết và chia sẻ từ một người không hề biết tới Ecommerce tới việc có thể bán hàng qua tất cả các platform lớn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, có người đang bán hàng rất tốt, có người cải tiến bao bì sản phẩm cho phù hợp để lên sàn...

“Đam mê với cà phê và sản xuất nên mình vẫn không thể từ bỏ. Cuối năm 2021, mình quyết định gọi vốn để xây dựng nhà máy sản xuất cà phê, với khát vọng khẳng định hương vị cà phê đặc sản Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Đón đoàn khách Pakistan

Đón đoàn khách Pakistan

May mắn là mình đã được các nhà đầu tư tin tưởng và đã huy động đủ số vốn cho vòng 1 của dự án. Mình mong muốn khi công ty phát triển, có thể giúp bán được nhiều nông sản khác của Việt Nam ra thế giới, đó là điều mà mình và team sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới”.

Quyết định chọn vị trí đặt nhà máy sản xuất cà phê tại một trong những huyện nghèo nhất của Gia Lai, với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, giúp cho những nông sản địa phương sản xuất ra có đầu ra ổn định hơn, giá thành tốt hơn. Sau nhiều ngày tháng xây dựng, nhà máy đã được hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Hiện tại, CEO VCU mong muốn được địa phương hỗ trợ cho thuê đất để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy lớn hơn trong thời gian tới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Gần đây, Công ty vừa ký thành công đơn hàng xuất khẩu 1 container 40ft cà phê hạt rang đi thị trường Mỹ, đã xuất khẩu thành công đi Nhật, Philippine, Bangladesh, Cambodia, Palestine, Israel...

Về nhân sự, anh Định chia sẻ: “VCU quy tụ nhiều bạn trẻ giỏi từ các tỉnh thành về làm việc, đặc biệt có cả nhân sự nước ngoài. Ngoài ra, VCU còn thu hút được nhiều bạn trẻ trở về quê Chư Prông sau nhiều năm làm việc tại Sài Gòn, nay về làm gần gia đình”.

VCU đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt và hấp dẫn ở Việt Nam, và phát triển bền vững nhờ xuất khẩu cà phê đã qua chế biến từ Việt Nam.

Theo Đời sống
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top