CDC Hà Nội: Có khả năng sẽ giãn cách ít nhất một tuần nữa?

Do tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp nên có khả năng Hà Nội sẽ giãn cách xã hội thêm ít nhất một tuần nữa để phòng, chống dịch.

Thông tin nêu trên được một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trao đổi với PV Dân trí vào sáng 20/8.

CDC Hà Nội: Có khả năng sẽ giãn cách ít nhất một tuần nữa? - 1

Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, Hà Nội sẽ cân nhắc việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội hay dừng lại (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo vị lãnh đạo này, CDC Hà Nội sẽ cần thêm kết quả về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong một, hai ngày để có cơ sở tham mưu cho thành phố về việc nới lỏng hay tiếp tục giãn cách xã hội.

"Hiện chưa nói được điều gì cả. Giờ nếu đưa ra nhận định thì hơi chủ quan vì chưa đủ dữ liệu để quyết định thêm. Nếu có thì giãn cách thêm ít nhất một tuần… còn liên quan đến các vấn đề xã hội khác nữa" - vị này thông tin thêm.

Mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận, hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Hà Nội vẫn ở mức cao và khó lường; việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết. Trong khi đó, tại các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện "chặt ngoài, lỏng trong"...

Trước đó, Hà Nội quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố lần thứ 2 từ 6h ngày 8/8 đến 6h ngày 23/8.

Phân tích về quyết định này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, từ 24/7 đến 6/8 (sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố), Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp và các đơn vị từ Trung ương đến thành phố đã đồng tình, ủng hộ. Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia đánh giá việc thành phố thực hiện giãn cách xã hội là đúng, trúng, kịp thời.

Tuy nhiên, ông Phong cho biết thêm, trong thời gian này cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia. Trên thực tế, Hà Nội không thể "đóng cứng", thực tế vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Trong khi đó, xung quanh Hà Nội, các tỉnh vẫn có dịch. Các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...

Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.

"Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được" - Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.423 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.244 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 1.179 ca.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ, tính đến 19h ngày 19/8, toàn thành phố đã lấy được 421.108 mẫu, trong đó có 107.259 mẫu đã có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

Cụ thể, khu vực phong tỏa lấy 21.776 mẫu, đã có 8.469 mẫu âm tính; khu vực nguy cơ cao lấy 184.412 mẫu, đã có 54.761 mẫu âm tính; đối tượng nguy cơ lấy 214.920 mẫu, đã có 44.029 mẫu âm tính…

Theo dantri.com.vn
back to top