Cạnh tranh thu hút FDI trong ASEAN: Hợp tác để không “xuống đáy”

(khoahocdoisong.vn) - Thay vì chú trọng vào yếu tố chủ chốt trong việc quyết định khu vực đầu tư FDI là xây dựng môi trường kinh doanh, các Chính phủ trong khu vực lại đang áp dụng những chính sách chỉ có lợi cho các công ty lớn của nước ngoài. Đây là một cuộc cạnh tranh cùng nhau “xuống đáy”.

Ưu đãi về thuế và đất đai không hiệu quả

Tại Hội thảo "Hướng tới thu hút FDI bền vững tại ASEAN: Môi trường kinh doanh là động lực chính" vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố đáng lo ngại trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI của các nước trong khu vực. Theo nhiều chuyên gia, cạnh tranh ưu đãi về thuế và đất đai là cuộc đua “xuống đáy”.

Ông Phạm Văn Long, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nước thành viên ASEAN đã cạnh tranh với nhau trong một “cuộc đua xuống đáy” bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Năm 2001, để kêu gọi đầu tư từ Canon, Việt Nam đã miễn thuế cho tập đoàn này trong 10 năm, nhưng Philippines cạnh tranh với Việt Nam bằng cách miễn thuế trong khoảng thời gian từ 8 - 12 năm. Năm 2014, để lôi kéo khoản đầu tư của Samsung, Indonesia cung cấp ưu đãi thuế trong 10 năm, trong khi Việt Nam đề nghị một khoản ưu đãi trong 15 năm.

Ông Long cho biết thêm, các doanh nghiệp FDI ở tất cả các nước ASEAN đều được thuê đất dài hạn. Malaysia, Thái Lan và Indonesia đưa ra thời gian cho thuê đất dài hạn, kéo gài gần 100 năm. Thêm vào đó, một số quốc gia trong khu vực thực hiện giảm và miễn tiền thuê đất. Chẳng hạn như Lào miễn tiền thuê đất lên tới 15 năm cho các dự án ở vùng ưu tiên hoặc vùng gặp nhiều khó khăn.

Cạnh tranh về ưu đãi đất đai giữa các nước ASEAN đang làm gia tăng sự bất bình đẳng về kinh tế - xã hội và cơ chế không minh bạch trong việc cấp ưu đãi đất đai ở nhiều quốc gia trong khu vực cũng mở ra cơ hội cho tham nhũng và trục lợi.

Cũng trong vòng 10 năm qua, cuộc cạnh tranh giữa các nước ASEAN còn diễn ra trong giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia. Mức thuế suất TNDN trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020.

Cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế. Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia và 1% GDP ở Việt Nam và Philippines. Chi phí của các ưu đãi thuế dư thừa có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại.

Theo ông Ah Maftuchan, Giám đốc Tổ chức PRAKARSA, các ưu đãi về thuế có thể tạo ra các ngoại ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế. Các nước ASEAN khó có thể đương đầu với các hệ quả đó, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế mà tất cả các nước đang đối mặt.

“Chúng ta cần phải lựa chọn giữa việc xây dựng xã hội bền vững với chính sách đất đai tốt, hay chỉ làm lợi cho các công ty đang ra sức giảm thiểu hóa đơn đóng thuế của họ. Lợi ích của ai sẽ được đặt lên trên hết?” - ông Ah Maftuchan nhấn mạnh.

Năm 2014, để lôi kéo khoản đầu tư của Samsung, Indonesia cung cấp ưu đãi thuế trong 10 năm, trong khi Việt Nam đề nghị một khoản ưu đãi trong 15 năm.

Năm 2014, để lôi kéo khoản đầu tư của Samsung, Indonesia cung cấp ưu đãi thuế trong 10 năm, trong khi Việt Nam đề nghị một khoản ưu đãi trong 15 năm.

Môi trường kinh doanh là nhân tố quyết định

TS Nguyễn Đức Thành, Sáng lập viên và Cố vấn trưởng VEPR nhận định, không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế và phi thuế, đặc biệt là ưu đãi đất đai, được các nhà đầu tư nước ngoài coi là yếu tố then chốt khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

Minh chứng là một nghiên cứu của VEPR và Oxfam đã chỉ ra, ưu đãi về đất đai chỉ đứng thứ 17 và ưu đãi tài chính đứng thứ 10 trong số 20 ưu đãi có trong bảng xếp hạng mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, các chỉ số về môi trường kinh doanh mới là các nhân tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp FDI, cụ thể là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, thị trường nội địa, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng tốt…

Đồng quan điểm trên, theo ông Mustafa Talpur, Quản lý cấp khu vực Chiến dịch thu hẹp khoảng cách (Tổ chức Oxfam tại châu Á), các nước ASEAN cần cùng nhau chặn “cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh của các nước để thu hút dòng vốn FDI dài hạn và bền vững, và đủ nguồn lực tài chính để đối phó với đại dịch.

Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng các ưu đãi thuế và phi thuế đang làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, và không phải là chìa khóa hướng tới đầu tư nước ngoài bền vững. Mỗi chính phủ cần có nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho y tế và giáo dục cũng như các dịch vụ công khác, nhằm đầu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng. Vì vậy, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần đoàn kết và cùng ưu tiên việc cải thiện môi trường kinh doanh, thay vì đưa ra các ưu đãi không có hiệu quả.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của VERP và Oxfam khuyến nghị các quốc gia ASEAN xây dựng các quy tắc để quản trị tốt các ưu đãi đầu tư, thống nhất danh sách các yếu tố môi trường kinh doanh quyết định trong việc thu hút FDI…

Đặc biệt, cần lập “danh sách trắng” và “danh sách đen” về ưu đãi thuế ASEAN. Trong đó chỉ rõ các thực hành thuế có hại và đưa ra lộ trình loại bỏ những ưu đãi này trong khu vực với thời hạn nhất định. Các nước cần thống nhất một mức thuế suất tối thiểu cho toàn khu vực.

Các quốc gia cũng cần có những hành động thiết thực để cải thiện các chỉ số khác về môi trường kinh tế vĩ mô và chất lượng thể chế như tự do kinh tế, hiệu quả chính phủ, chất lượng pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng hấp thụ công nghệ.

Đã đến lúc các nước thành viên ASEAN cần cùng hợp tác và đồng thuận trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế và ưu đãi phi thuế trong khu vực, để hướng tới mục tiêu chung xây dựng một ASEAN bền vững và tự cường.

Theo VietnamDaily
back to top