Gần đây có rất nhiều trẻ 7, 8 tuổi đến bệnh viện khám vì thường xuyên đại tiện lẫn máu tươi. Cha mẹ nghĩ rằng trẻ táo bón nên chuyển sang cho ăn các loại rau nhuận tràng, mát, thanh nhiệt như rau lang, rau mùng tơi, sau này dù chứng táo bón được khắc phục nhưng các cháu vẫn đi cầu ra máu nên được đưa đến bệnh việm khám. Các bác sĩ quyết định tiến hành nội soi đại tràng bằng ống nội soi mềm, dùng thuốc an thần. Kết quả phát hiện tại đại tràng sigma có nhiều polyp kích thước nhỏ, tại trực tràng cũng có và bác sĩ quyết định cắt các polyp nói trên.
Polyp đại trực tràng (đặc biệt là loại có cuống) dễ bị chảy máu khi phân đi qua chính là nguyên nhân gây chảy máu khi đại tiện ở trẻ. Ngay sau khi cắt polyp tình trạng đại tiện ra máu không còn. Bệnh nhi được chỉ định uống thêm sắt, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để phục hồi sức khỏe. Polyp đại trực tràng là bệnh lý gặp khá nhiều ở trẻ em với đặc trưng đi ngoài phân dính máu. Đã có những trường hợp trẻ lớn hơn tới khám với biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài ra máu, qua nội soi phát hiện hàng trăm polyp, đây là trường hợp hiếm và mang yếu tố gia đình. Bệnh polyp trực tràng ở trẻ nhỏ không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng khi các polyp gây chảy máu khi đại tiện thì cần phải can thiệp để giảm nguy cơ mất máu, thiếu máu nặng. Hơn nữa, các polyp này đa phần là lành tính, nhưng một số có thể trở thành ung thư. Ở người lớn, phần lớn ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ các polyp này do theo thời gian, một vài polyp có thể hóa ác trở thành ung thư. Lúc đầu các polyp còn nhỏ, sinh sản chậm, không gây triệu chứng. Chính vì thế, khi phát hiện cần phải cắt bỏ để tránh đại tiện kém, nguy cơ ác tính thành ung thư.
Cha mẹ nếu thấy trẻ đại tiện ra máu nhiều, đã khắc phục bằng cách ăn nhiều rau, uống nhiều nước mà không ăn thua thì nên đưa con đến khám tại các cơ sở có chuyên khoa tiêu hóa để được nội soi toàn bộ đại trực tràng. Trên thực tế đa phần những trường hợp chảy máu tươi khi đi đại tiện lặp lại nhiều lần phần lớn lớn nguyên nhân do polyp. Ở trẻ nhỏ sau khi cắt polyp thời gian tái khám lâu hơn, riêng với người lớn, đặc biệt người trên 50 tuổi thì sau 12 - 18 tháng nên đi kiểm tra lại một lần để kịp thời phát hiện nguy cơ tái phát nếu có.
GS.TS Đào Văn Long (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chuyên gia cao cấp Phòng khám Đa khoa Hoàng Long)