Mỹ đã quay trở lại vị trí quán quân thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam, với giá trị 549 triệu USD trong năm 2018, tăng 60% so với năm 2017. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, nhu cầu cá tra tại Mỹ sẽ tăng mạnh hơn vào năm 2019, nên giá vẫn ở mức cao. Trung Quốc, Hồng Kông đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 529 triệu USD, chiếm 23% tổng xuất khẩu cá tra năm 2018, tăng 29% so với năm trước.
Theo VASEP, thị trường các nước lân cận vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, nhờ nhu cầu lớn đối với nhiều loại sản phẩm cá tra ở nhiều mức giá khác nhau, trong đó giao thông thuận tiện là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, ngành cá tra Việt Nam đang tận dụng các đơn đặt hàng mới từ người mua Mỹ. Tại thị trường Mỹ, cá tra được coi là sản phẩm thay thế tốt nhất cho cá rô phi Trung Quốc, nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng tương tự.
Gần đây, Mỹ đã áp dụng mức thuế 10% đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và áp thêm 25% dự kiến vào tháng 3/2019. Với giá cá rô phi ít cạnh tranh hơn, các nhà xuất khẩu cá tra đã trở thành người hưởng lợi chính. Do căng thẳng thương mại leo thang, rào cản thuế quan với cá rô phi ngày càng ca, nhiều người mua cá rô phi đã chuyển sang sử dụng cá tra nguồn từ Việt Nam, từ đó kéo quy mô đặt hàng mở rộng đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.
Đặc biệt, ngày 19/9/2018, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thông báo đã hoàn thành công tác kiểm tra tại chỗ với Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, từ đó nới lỏng việc nhập khẩu sản phẩm này từ cả ba nước. USDA dự kiến sẽ cấp trạng thái tương đương cuối cùng của ba quốc gia này. Riêng với Việt Nam, việc vượt qua kiểm tra tại chỗ là bước quan trọng trong quy trình tương đương ban đầu, bởi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ hiện có đến hơn 91% là mặt hàng cá tra da trơn (thuộc bộ Siliformes).