Căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng thế nào đến ngành dầu khí Việt Nam?

Các doanh nghiệp dầu khí đang hưởng lợi từ việc giá dầu thô liên tục tăng cao trong thời gian qua, tuy nhiên căng thẳng giữa Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển và khai thác dầu khí của Việt Nam.

Các doanh nghiệp dầu khí hưởng lợi về giá

Kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, Mỹ và phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt vô cùng gắt gao nhằm vào Nga, điều này đã thúc đẩy giá dầu thô toàn cầu tăng lên hơn 30%.

Ngành dầu khí Việt Nam đã được hưởng lợi về giá, khi giá thế giới duy trì luôn trên mức 100 USD trong hơn nửa tháng qua. Không chỉ gia tăng nguồn thu về hoạt động xuất khẩu dầu thô mà kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu tiêu thụ trong nước… Điều này phần nào được minh chứng qua dữ liệu thu ngân sách hai tháng đầu năm nay, khoản thu từ dầu thô tăng hơn 57%, đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách.

0449_8_._tin_vui_.ynh-yyc_hyuvietsovpetro_..jpg
Giàn Tam Đảo 01 của Vietsovpetro.(Ảnh Petro times)

Tại cuộc họp giao ban sản xuất, kinh doanh ngày 7/3, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động làm giá nhiên liệu, dầu thô tăng cao, nhưng sự biến động giá có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn. Xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn chính yếu, không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội cần được tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc.

Căng thẳng địa chính trị cũng sẽ mang lại những rủi ro nhất định đối với ngành dầu khí của Việt Nam

Do thị trường hiện tại biến động rất mạnh, khó dự báo dẫn tới chi phí sản xuất và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành phẩm tăng, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Bên cạnh đó ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị đến từ Nga, trong điều kiện căng thẳng kéo dài, ngành dầu khí sẽ gặp khó nếu chưa tìm được nguồn cung thay thế, điều này sẽ gây cản trở cho việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu khác cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Theo ông Trần Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, rủi ro sắp tới là rất lớn. Với tình hình căng thẳng Nga - Ukraine leo thang hiện nay, sẽ khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng...

PVN cho rằng, tác động từ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao. Vòng xoáy giá vì thế càng khó dự đoán.

Trước tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN đề nghị các doanh nghiệp trực thuộc tăng cường công tác dự báo, xây dựng và có giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top