Căng thẳng có thể gây viêm não do virus Herpes

Viêm não do HSV là bệnh nhiễm virus phổ biến nhất trong hệ thần kinh trung ương. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, nhức đầu, co giật, và bắt đầu dần dần có tình trạng tâm thần...

“Virus Herpes có trong 90% người trưởng thành, ban đầu ảnh hưởng đến da và có thể xâm nhập não. Viêm não do virus Herpes thường do sự tái hoạt của virus này khi gặp các điều kiện thuận lợi. Tỷ lệ tử vong từ 10-15%, và tỉ lệ di chứng để lại khoảng 30-40%”, BS Nguyễn Thị Hằng, Bệnh viện E thông tin.

Herpes ngoài da kích hoạt xâm nhập não

BSCKII Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cho biết, viêm não Herpes là một bệnh ít gặp, trước đây trung bình 2 – 3 tháng mới có 1 ca. Nhưng chỉ một tháng nay, khoa nội nhiễm liên tục tiếp nhận ba bệnh nhân bị viêm não do virus Herpes.

Biểu hiện của viêm não Herpes:

Dấu hiệu thần kinh khu trú thường khởi phát cấp tính (thời gian <1 tuần) và bao gồm thay đổi tư duy và mức độ ý thức, thiếu hụt thần kinh khu trú, liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, rối tầm hoặc co giật khu trú.

Hơn 90% bệnh nhân sẽ có một trong các triệu chứng nêu trên cộng với sốt.

Các triệu chứng thần kinh liên quan khác bao gồm đại – tiểu tiện không tự chủ, viêm màng não vô khuẩn, ban da khu trú và hội chứng Guillain-Barré. Sau đó trong diễn tiến, bệnh nhân có thể bị suy giảm khả năng hiểu, loạn ngôn tự phát, suy giảm trí nhớ và mất kiểm soát cảm xúc...

Khi thấy người thân có những dấu hiệu này nên đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân được can thiệp sớm, dùng thuốc điều trị đặc hiệu thì tiên lượng tốt hơn và ngược lại.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh viêm não do HSV.

Theo đó, ba bệnh nhân đều là nữ, tuổi 36, 57 và 80. Tất cả nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với biểu hiện chung là sốt, lơ mơ, rối loạn tri giác…

Trong đó, bệnh nhân 36 tuổi vào bệnh viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy. Hai ngày sau, chị thay đổi nhận thức ở mức nhẹ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân hôn mê. Nhờ được điều trị kịp thời nên tri giác của bệnh nhân sau đó hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng và được xuất viện.

Tương tự, bệnh nhân 57 và 80 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt, rối loạn tri giác, lơ mơ... Dù kết quả xét nghiệm âm tính với Herpes nhưng bằng kinh nghiệm các bác sĩ vẫn tiến hành điều trị theo phác đồ viêm não Herpes và cả hai bệnh nhân đã bình phục.

Ghi nhận của PV Khoa học & Đời sống cho thấy, tại các bệnh viện: TWQĐ 108, bệnh viện E, Nhiệt Đới TW, 103, Bạch Mai, Nhi TW... thỉnh thoảng cũng có các ca viêm não do virus Herpes.

Theo BS Nguyễn Thị Hằng, Khoa chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện E, nhiễm virus Herpes (Herpes simplex encephalitis – HSV) phổ biến trong dân số (khoảng 90% người trưởng thành), có nhiều type gây bệnh khác nhau, nhưng chủ yếu HSV1, HSV2. HSV thường gây nhiễm trùng tái phát ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục. Vùng da quanh chỗ phồng thường nổi đỏ, sưng lên và đau nhức. Vùng bị phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra ngoài và sau đó đóng vảy sau vài ngày. Tuy nhiên, vết thương thường tự lành trong khoảng vài ngày tới 2 tuần.

Sau đó, virus nằm im ở trạng thái không hoạt động trong hạch sinh ba. Khi gặp những điều kiện thuận lợi như: Sốt, tâm lý căng thẳng, phẫu thuật, kinh nguyệt... Herpes sẽ được kích hoạt và lây lan ngược dòng từ thần kinh khứu giác và lên thùy thái dương trên não.

Viêm não do HSV là bệnh nhiễm virus phổ biến nhất trong hệ thần kinh trung ương. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, nhức đầu, co giật, và bắt đầu dần dần có tình trạng tâm thần thay đổi, trong một vài ngày. Các dấu hiệu thần kinh khu trú không thường gặp.

Thăm khám cho cụ bà 80 tuổi bị viêm não tại Bệnh viện Thống nhất (TP HCM)Thăm khám cho cụ bà 80 tuổi bị viêm não tại Bệnh viện Thống nhất (TP HCM)

Dễ chẩn đoán nhầm và tử vong cao

TS.BS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn thần kinh Học viện Quân Y cho biết, HSV gồm 2 loại chính là HSV-1 và HSV-2. Trên 95% số ca bệnh là do HSV-1 và HSV-2 (< 5% số ca bệnh). Bệnh có thể xuất hiện do nhiễm HSV tiên phát hoặc do HSV tồn tại tiềm tàng trong cơ thể tái hoạt động và xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây nên.

Viêm não do Herpes gặp ở bất kỳ tuổi nào, tuy nhiên đỉnh cao là dưới 20 tuổi và trên 50 tuổi. Nhóm viêm não Herpes ở bệnh nhân trẻ thường tương ứng với nhiễm trùng tiên phát, trong khi phản ứng tái hoạt hóa HSV tiềm ẩn thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi.

Viêm não HSV xảy ra lác đác trong năm, thường gặp vào mùa hè và đầu thu. HSV-1 là virus thường gặp nhất trong viêm não virus cấp lẻ tẻ ở các nước phương Tây và trên toàn thế giới. Tần suất 1/250.000-500.000 dân/năm tại các nước công nghiệp, ở Mỹ mỗi năm có khoảng 2000 trường hợp mắc bệnh.

Tại Việt Nam các số liệu báo cáo về HSV chưa được ghi nhận nhiều, chỉ có số ít các công bố về phát hiện các ca bệnh riêng lẻ ở Hà Nội và TP HCM…

Theo BS Nguyễn Thị Hằng, viêm não do HSV rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 70% nếu không được điều trị, trường hợp điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong là 10- 15% và tỉ lệ di chứng để lại khoảng 30-40% với mức độ vừa đến nặng, không quá 3% tỷ lệ phục hồi hoàn toàn sau viêm não.

Điều đáng nói, đa phần người bệnh viêm não Herpes được phát hiện bệnh muộn. Bởi triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh không đặc trưng, xét nghiệm xác định chính xác bệnh là sinh thiết não không làm được, nuôi cấy và xác định ADN của virus (PCR) ở dịch não tủy chỉ ít trung tâm trong nước có thể tiến hành được, nên bệnh khó được chẩn đoán xác định.

Hơn nữa, viêm não HSV là bệnh nhiễm trùng tàn phá của hệ thống thần kinh trung ương. Ngay cả khi điều trị sớm sau khi phát bệnh, gần 2/3 số người sống sót sẽ bị thiếu hụt thần kinh đáng kể. Vì lý do này, nên bệnh nhân thường bắt đầu điều trị theo kinh nghiệm ngay khi chẩn đoán được đề ra.

Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với các mặt bệnh khác như: Viêm não - màng não do virus khác, viêm màng não, lao, đột quỵ não, u não, rối loạn tâm thần...

Người bệnh viêm não do Herpes được điều trị sớm bằng acyclovir tĩnh mạch thường tiến triển tốt dần, sốt giảm dần và nhiệt độ trở về bình thường trong 3-5 ngày, ý thức cải thiện dần. Một số người bệnh vẫn có di chứng về thần kinh sau điều trị, nhất là người > 50 tuổi. Các di chứng có thể gặp bao gồm động kinh, sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ,...

Ngược lại, nếu không được điều trị đặc hiệu bằng thuốc acyclovir hoặc điều trị muộn có tỷ lệ tử vong cao, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề nếu sống sót.

Theo Đời sống
back to top