Cẩn trọng khi tự pha chế nước rửa tay

(khoahocdoisong.vn) - Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng, nhiều sản phẩm nước rửa tay rởm xuất hiện trên thị trường. Việc tự pha chế nước rửa tay tại nhà cũng cần thận trọng.

Nước rửa tay khô kém chất lượng dễ gây viêm da cơ địa

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, dung dịch sát khuẩn hay nước rửa tay khô sát khuẩn được sản xuất dưới nhiều dạng, trong đó phổ biến nhất là dạng nước, xịt hoặc gel. Các sản phẩm này có thành phần chính là cồn y tế (loại cồn 70 độ), nước, tinh dầu, chất diệt khuẩn… Nếu nước rửa tay khô có nồng độ cồn quá thấp (dưới 60 độ) thì không có tác dụng diệt khuẩn hoặc tác dụng diệt khuẩn quá thấp. Trong khi đó, nếu nồng độ cồn quá cao (90 độ) thì sẽ làm đông, vón cục lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus làm giảm tác dụng diệt khuẩn. Ngoài ra, nhiều loại nước rửa tay khô còn chứa những thành phần có hại cho sức khỏe.

“Những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không những không đem lại hiệu quả về mặt sát khuẩn, phòng bệnh mà còn khiến da tay, da nơi tiếp xúc trở nên khô. Khi dùng nhiều lần trong thời gian dài, da sẽ càng khô hơn, dễ bị bong tróc, gây ngứa và các bệnh lý viêm da cơ địa. Dung dịch sát khuẩn đảm bảo tiêu chuẩn là loại được các doanh nghiệp, cơ sở uy tín sản xuất, trên bao bì sản phẩm có địa chỉ, nguồn gốc, tem, nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng, được kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Các sản phẩm chính hãng sẽ diệt được đa số vi khuẩn bám trên bề mặt da, hạn chế thấp nhất viêm da, kích ứng đỏ, ngứa da khi sử dụng. Một số sản phẩm còn có tác dụng làm mềm da”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Cẩn trọng khi tự pha chế

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, không nên quá lạm dụng các loại dung dịch rửa tay khô bởi đây là các loại hóa chất không tốt cho sức khỏe. Cách phòng bệnh  tốt hơn cả là rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy từ 30 giây trở lên. Súc miệng thường xuyên để giảm nguy cơ virus xâm nhập vào tế bào. Các loại nước súc miệng cũng có tác dụng rất tốt để phòng tránh lây nhiễm virus, nên chọn loại không chứa cồn, fluor và các phụ gia độc hại thích hợp cho người già, người bị suy giảm miễn dịch và trẻ em.

Theo khuyến cáo của WHO thì người dân tự pha chế tại nhà bằng các dung dịch như cồn, oxy già, glyxerin (được sử dụng làm chất giữ ẩm, dưỡng da tay, có thể thay thế bằng gel nha đam hoặc vitamin E dạng dầu lỏng), tinh dầu để tạo mùi thơm, nước cất. Pha chế bằng cách đổ 415ml cồn 90 độ vào bình to. Dùng xy lanh đo đúng 20ml nước oxy già. Sau đó đổ oxy già vào bình chứa cồn. Tiếp tục thêm 7,5 ml glyxerin. Đổ nước cất hoặc nước sôi còn lại vào bình. Thêm khoảng 2-3ml tinh dầu để giảm bớt mùi cồn và dung dịch có mùi thơm dễ chịu. Đậy ngay nắp bình sau khi pha xong dung dịch để không bị bay hơi. Chiết dung dịch qua chai nhỏ để tiện mang theo sử dụng.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, nếu ai cũng pha chế theo công thức này mà nguồn nguyên liệu không đảm bảo sẽ gây nguy hiểm. Chẳng hạn, nếu sử dụng cồn không đạt tiêu chuẩn dược dụng như cồn công nghiệp để pha chế có thể gây hại cho thị giác. Một số tạp chất nếu không kiểm soát được cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Do đó, khi cần thiết phải pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn, điều tối quan trọng là phải sử dụng nguyên liệu đạt chuẩn dược dụng.

Hơn nữa, đừng lạm dụng dung dịch sát khuẩn, đó không phải là giải pháp duy nhất, tối ưu. Các chất hóa học khi rửa tay sẽ thẩm thấu qua da, theo máu vào thận và các cơ quan nội tạng khác. Nhiều trường hợp thống kê ở Mỹ, nước rửa tay và diệt khuẩn gây ung thư tuyến tụy, tuyến giáp, gan và da... Do đó, việc rửa tay bằng xà phòng vẫn là tốt nhất.

Theo Đời sống
back to top