Tai nạn nghiêm trọng khi chơi tàu lượn
Vào ngày 5.2 (tức mồng 1 Tết), bé gái L.Đ.N (13 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) trong lúc chơi tàu lượn siêu tốc tại một khu du lịch trên địa bàn tỉnh thì gặp nạn. Bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng mê, tay chân lạnh, mạch yếu, huyết áp không đo được; thở yếu, có lúc ngưng thở; tim rời rạc; chấn thương ở ngực, bụng, tay, chân; gãy xương cánh tay, xương đùi, nhiều vùng da bị lóc. Các bác sĩ đã tiến hành mổ khẩn cấp, phát hiện trong bụng đầy máu do lách bị đứt lìa; gan bị rách sâu, dập nhiều nơi, chảy máu nhiều; tràn máu màng phổi 2 bên, gãy 5 xương sườn. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang được theo dõi đặc biệt.
Không ít vụ tai nạn tương tự từ trò chơi tàu lượn siêu tốc đã từng xảy ra. Không thể phủ nhận những tác dụng của trò chơi này như thư giãn, sảng khoái, trải nghiệm, cảm giác mạnh… nhưng nó cũng ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, khi tham gia vào những trò chơi cảm giác mạnh, cơ thể của bạn sẽ chịu một lượng áp lực lớn hơn bình thường. Một số trò chơi sẽ khiến cơ thể thay đổi vị trí dồn trọng lực đột ngột khiến cơ thể dễ mất thăng bằng và giảm khả năng điều chỉnh trọng lượng. Bên cạnh đó, sự đổi hướng quá nhiều kích thích tim phải hoạt động nhanh để bơm máu lên não. Điều này gây nên hiện tượng máu tụ dưới màng cứng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tim mạch. Người mắc bệnh nội khoa như hen phế quản cấp, cao huyết áp cấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cần lưu ý.
Ngoài ra, tốc độ nhanh của những trò chơi này còn ảnh hưởng không tốt đến tai. Khi môi trường thay đổi áp suất đột ngột, tai sẽ ít nhiều chịu chấn động và thính lực dễ bị suy giảm xuống sau mỗi lần chơi. Một nghiên cứu ở bệnh viện Henry Ford, Mỹ cho thấy, đa số những người tham gia trò chơi cảm giác mạnh đều có xu hướng không nghe rõ người khác nói trong vài ngày sau đó. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nỗi sợ hãi khi tham gia các trò cảm giác mạnh có thể ám ảnh tâm lý con người tương đương với việc bạn xem một bộ phim ma ghê rợn.
Trẻ vị thành niên đặc biệt cẩn trọng
Theo phân tích của TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, trải nghiệm quá sợ hãi của trò chơi này có thể dẫn đến hoảng loạn cho trẻ, thậm chí có người lớn cũng ngất lịm trong quá trình chơi vì hoảng sợ. Không ít người còn tè cả ra quần khi trò chơi kết thúc. Đối với trẻ vị thành niên, anh hưởng này có thể dẫn đến nhiều căn bệnh tâm lý như chứng hoang tưởng cục bộ, trầm cảm cấp độ II, hoảng loạn không nguyên nhân . Do đó, ngay cả khi không gặp tai nạn thì hậu quả từ trò chơi này mang lại cũng không ít.
Theo các chuyên gia, trò chơi cảm giác mạnh không dành cho những người có sức khỏe yếu hay người đang trong quá trình hồi phục sức khỏe. Đa phần các trò chơi này đều phải khiến người chơi gồng mình lên để ứng phó với độ cao hoặc tốc độ lớn. Do đó nếu sức khỏe không đảm bảo thì tuyệt đối không nên mua vé tham gia các trò chơi nguy hiểm đó. Khi đã xác định được sức khỏe đủ để tham gia, người chơi cần khởi động nhanh toàn thân, nhất là vùng cổ, lưng. Mùa hè nên bù nước và điện giải để tránh tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng. Chọn những khu vui chơi uy tín, có trang thiết bị chắc chắn và đội cứu hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Các trò chơi mạo hiểm đều có quy định riêng để đảm bảo an toàn cho người chơi. Do đó khi tham gia các trò chơi này, người chơi nên tham khảo hướng dẫn và tuân thủ theo những quy định đã đề ra. Nếu thời tiết xấu như dông bão, mưa to hay nắng gắt thì bạn nên rời cơ hội thử cảm giác mạnh vào ngày có thời tiết tốt và ổn định hơn để tránh những sự cố đáng tiếc.
“Khi tham gia các khu vui chơi, trẻ em cần được người lớn giám sát. Tốt nhất là không cho trẻ tham gia các trò mạo hiểm”, TS Vũ Thu Hương.