Nấm mối chỉ có theo mùa và mọc ngoài tự nhiên.
Quà thiên nhiên ban tặng
Được ví là “đặc sản của các loại đặc sản”, ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng, nên nhiều người dân lùng mua nấm mối. Chỉ cần vào internet tra từ khóa “mua nấm mối ở đâu”, đã có hàng loạt địa chỉ giao bán nấm mối với giá rất cao từ 800.000 đồng/kg, thậm chí có chỗ giao bán với giá tới 1.200.000 -1.500.000 đồng/kg. Đắt là thế, nhưng nhiều người vẫn lùng mua để ăn thử cho biết, hoặc mua về “nấu cháo cho con” bởi nghe nói nấm mối rất bổ dưỡng…
PGS.TS Nguyễn Đức Khảm, nguyên cán bộ Viện KHKT Lâm nghiệp Việt Nam, chuyên gia về mối, cho biết sở dĩ có tên gọi là nấm mối bởi khác với các loại nấm khác, nấm mối có đặc điểm là chỉ mọc ở khu vực có nhiều mối sinh sống, và mối ở đây không phải loại mối trên cây mà là mối sống ở dưới đất.
PGS.TS Nguyễn Đức Khảm giải thích: ngoài thức ăn là xenlulo, mối còn tự tạo ra thức ăn đấy chính là nấm. Thông thường, vào mùa sinh sản (từ tháng 4-8) mối cánh bay phân đàn sẽ ngậm theo ấu trùng nấm, khi lập thành tổ, mối thợ sẽ nuôi nấm trong “vườn” nấm để làm thức ăn cho cả tổ mối. Khi nấm phát triển thuận lợi nó sẽ rẽ đất nứt ra, trồi lên phía trên mặt đất.
Chính vì thế, tại những khu vực mối sống, vào mùa mưa để ý sẽ thấy nấm mối mọc nhiều. Muốn biết có phải nấm mối hay không thì chỉ cần đào khoảng đất nhỏ xung quanh, nếu thấy có mối đất sinh sống thì chắc chắn đó là nấm mối. Nấm mối chỉ có từ tự nhiên và chỉ mọc vào đầu mùa mưa nên rất quý và hiếm và được xem như là đặc sản của trời ban.
“Trong quá trình đi thực địa tìm hiểu về mối tôi có thấy nấm mối và có cơ hội thưởng thức món ăn chế biến từ nấm mối. Ngon là cảm giác đầu tiên”, PGS.TS Nguyễn Đức Khảm cho biết “Mức độ bổ dưỡng của nấm mối đến đâu cần phải có những nghiên cứu của các chuyên gia về nấm. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nấm đã được mối chọn làm thức ăn, nuôi cả đàn mối phát triển thì chắc chúng có chứa thành phần dinh dưỡng nào đó. Đấy chính là chọn lọc tự nhiên”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nước ta cũng có rất nhiều loại nấm loại nấm cả nấm ăn (nấm rơm, nấm sò, nấm hương, nấm mỡ…) lẫn nấm dược liệu (linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm đầu khỉ, nấm vân chi…), trong đó có rất nhiều loại nấm ngon, bổ dưỡng, nguồn gốc đảm bảo. Người dân có thể lựa chọn các loại nấm này để chế biến món ăn hoặc tăng cường sức khỏe.
Chú ý nguồn gốc
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nguyên phó chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về nấm tại Việt Nam cho biết, bản thân bà có nghe về nấm mối nhưng chưa bao giờ được ăn loại nấm này bởi đây là loài nấm thuộc loại hiếm chứ không sẵn có như nhiều loại nấm khác.
Lý do là vì, đây là loài nấm chỉ mọc ngoài tự nhiên, lại chỉ xuất hiện theo ở những chỗ có mối sinh sống và chỉ xuất hiện theo mùa, hơn thế, hiện chưa có đơn vị nào thông báo đã nuôi cấy được nấm mối. Chính vì thế, nấm mối thuộc loại hiếm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, chính vì hiếm và lại mọc theo mùa nên nếu nấm mối bán tràn lan, bán với số lượng lớn hay vào mùa nào cũng mua được thì phải cảnh giác. Khi mua nấm cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của nấm, đặc biệt là nấm trái mùa.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính cũng khuyên thêm, với nấm mối, về độ ngon đã được khẳng định, nhưng về dinh dưỡng và các công dụng về hỗ trợ sức khỏe, các nghiên cứu sâu rộng hiện nay chưa thật sự nhiều để khẳng định chắc chắn về rất nhiều công dụng mà người dân nói về nấm mối.
Chính vì thế, trong các trường hợp không chắc chắc về nguồn gốc, xuất xứ thì đừng cố gắng săn lùng và bỏ một số tiền trên trời để sở hữu được loài nấm này.
Sơn Hà