HoREA đánh giá, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện thông thoáng cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Cụ thể, Điều 10 của Nghị quyết 42 quy định: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; b) Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, có quá nhiều quy định chồng chéo khiến cho Nghị quyết này chưa có nhiều tác dụng như các đơn vị đã mong chờ. Bằng chứng là Nghị quyết 42 cho phép chuyển nhượng dự án, một phần dự án khi có quyết định giao đất, cho thuê đất thì các đạo luật hiện hành vẫn yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ví dụ, điểm b, khoản 1, Điều 194 Luật Đất đai 2013; Khoản 2, Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và khoản 4, Điều 25 Luật Nhà ở 2014 hầu đều giống nhau ở việc một trong các điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản là chủ đầu tư đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Ngoài ra, tình trạng mâu thuẫn giữa Nghị quyết 422 và các luật đã gây khó cho việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều dự án bất động sản thế chấp tại ngân hàng mới chỉ có quyết định giao đất, cho thuê đất chứ chưa có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất.
HoREA cũng nhận định rằng, việc bán, chuyển nhượng dự án bất động sản không làm tăng giá nhà ở như một số người quan ngại, vì giá cả nhiều yếu tố mang lại, từ chính sách, luật, thủ tục hành chính, vay vốn… chứ không phải chỉ do ý muốn của doanh nghiệp mà thành.