TS Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học trò chuyện cùng PV Báo KH&ĐS. Ảnh Nguyên Thủy.
Nhiều người ngại khi đối mặt sự thật
Vừa rồi, trong một phát biểu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa có nói rằng: Nhiều cán bộ của ta có vẻ đang sợ mạng xã hội, sợ facebook quá. Là một người từng có nghiên cứu về vai trò phản biện xã hội của truyền thông, ông có suy nghĩ gì trước phát biểu đó?
Có thể coi đây là một phát biểu rất đáng ghi nhận từ một đồng chí lãnh đạo cấp chiến lược khi nhận xét một vấn đề bình thường nhưng rất quan trọng đối với yêu cầu của đội ngũ cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay.
Bởi mạng xã hội là thành quả của văn minh nhân loại và có xu hướng phổ biến trong cách mạng 4.0. Và bất kỳ ai, từ người dân bình thường đến chính khách đều có thể có cơ hội tiếp cận, bị tác động.
Tôi cho rằng, việc một bộ phận cán bộ sợ mạng xã hội, sợ facebook là một hiện tượng có thật và có xu hướng đi ngược lại với xu thế phát triển của thời đại.
Vì sao ông lại cho rằng việc cán bộ sợ mạng xã hội lại là xu hướng đi ngược lại xu thế của thời đại?
Làm cán bộ yêu cầu đặt ra phải là phải chủ động nhìn thẳng vào sự thật. Làm tốt thì được khen, không tốt thì bị phê bình. Nhưng người Việt Nam vốn có thói quen “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”… Chúng ta cần phải thay đổi tư duy.
Những gì chưa tốt, nhờ thông tin từ mạng xã hội có thể kịp thời sửa để tốt lên. Còn nếu mình cứ đóng lại thì cái xấu, không tốt tích lũy lại. Tôi cho rằng, trong xu thế phát triển hiện nay, nếu cái gì xấu mà cũng “đóng cửa bảo nhau” thì rất nguy hiểm.
Vẫn có câu nói rằng: “cây ngay không sợ chết đứng”, theo ông, tâm lý ngại sợ mạng xã hội, facebook của nhiều cán bộ xuất phát từ đâu? Liệu có phải là vì đã làm “không tốt”?
Thực ra là có nhiều lý do khác nhau. Có thể là do thói quen họ ngại va chạm, do thiếu năng lực xử lý thông tin, do chưa có công cụ khuyến khích sử dụng và có thể do cán bộ làm sai…
Cũng có không ít người sử dụng mạng xã hội với mục đích cá nhân không tích cực, thậm chí cố tình bôi nhọ “đổi trắng thay đen”… “Một miệng” thì khó đấu lại cả trăm, cả ngàn, vạn “miệng” trên mạng. Nếu cán bộ có kỹ năng, bản lĩnh thì không sao. Nhưng ngược lại thì vô cùng nguy hiểm. Cho nên, tâm lý là “né” đi cho an toàn, tránh rắc rối.
Cần có kỹ năng, hiểu biết
Cũng có nhiều người cho rằng, mạng xã hội như cái chợ, là chốn xô bồ. Vậy theo ông, mạng xã hội có thực sự cần thiết?
Nói như vậy chỉ đúng một phần nhỏ, tôi cho rằng, mạng xã hội vô cùng có lợi nếu như chúng ta biết cách sử dụng. Nó là tai mắt, kênh thông tin hữu hiệu để các cán bộ công chức nắm được thông tin đa chiều một cách kịp thời, khách quan và đặc biệt không mất chi phí gì cả.
Nếu có tinh thần lắng nghe, xử lý thông tin tốt sẽ sử dụng rất hiệu quả cho công việc. Còn tất nhiên, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi. Điều này, đòi hỏi người sử dụng mạng xã hội phải có bản lĩnh, hiểu biết, năng lực, trách nhiệm xã hội.
Theo ông, đó là năng lực như thế nào?
Cán bộ, đảng viên chịu sự điều chỉnh bởi rất nhiều quy định và có trách nhiệm xã hội cũng khác hơn với người dân bình thường. Cho nên, mọi phát ngôn trên mạng xã hội cũng phải thận trọng, không phải cái gì cũng bình luận, chia sẻ được.
Ví dụ, có những thông tin chưa được xem xét một cách thấu đáo toàn diện, nhưng lại được người có uy tín chia sẻ thì ngay lập tức sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực rất lớn. Như vậy, vô tình là đem lại tác động tiêu cực cho xã hội.
Cho nên, việc không thích (like), bình luận, hay chia sẻ trên mạng xã hội không phải là “hèn” hay thiếu trách nhiệm xã hội. Ở đây, nó đòi hỏi cán bộ phải có kỹ năng sàng lọc, phông kiến thức tốt, và nhạy cảm về mặt chính trị.
Đã từng có cán bộ bị xử phạt vì đưa thông tin trên mạng xã hội. Như vậy, có phải việc sợ mạng xã hội của cán bộ không phải chỉ đến từ mạng xã hội, thưa ông?
Đây cũng là một trong những lý do khiến người ta cảm thấy dè dặt khi dùng mạng xã hội, sợ mạng xã hội. Các cơ quan chức năng lẽ ra, phải thật sự điều tra khách quan, công tâm và cẩn trọng đối với thông tin đó. Nếu đúng thì phải tưởng thưởng, còn nếu sai thì phạt. Chứ chưa điều tra đúng hay sai mà phạt ngay thì là không ổn.
Và liệu điều này nó có đi ngược lại với chủ trương xây dựng một nền công vụ có tương tác tốt với dân hay không, thưa ông?
Thực ra đây là vấn đề chúng ta đang lúng túng chưa có đường hướng rõ ràng, các quy định đang còn thiếu hoặc không phù hợp.
Cần có những văn bản dưới luật
Vậy theo ông, để cán bộ không còn sợ mạng xã hội, facebook, và coi đây như một kênh thông tin có lợi cho công việc, thì cần điều gì?
Tôi cho rằng nên có quy định mềm mang tính thiết chế xã hội (đạo đức, văn hóa…) văn bản dưới luật. Trong từng cơ quan, tổ chức, nhất là trong cơ quan hay giao dịch với người dân nên chủ động xây dựng những quy tắc.
Ví dụ mạng xã hội được sử dụng trong trường hợp thế nào, sử dụng ra sao, trách nhiệm xã hội của người sử dụng… Như vậy, tạo sự an tâm và có mức độ chế tài nhất định cho những người sử dụng.
Bản thân ông, cũng là một cán bộ, đảng viên, ông sử dụng mạng xã hội như thế nào?
Bản thân tôi, do nhu cầu và yêu cầu của công việc, nên mạng xã hội rất cần thiết. Tuy nhiên, có những thứ chỉ đọc và để biết. Phải luôn chủ động, biết chọn lọc và sàng lọc thông tin, cái gì có thể like (thích), cái gì có thể chia sẻ, bình luận.
Nhưng với những thông tin không đúng trên mạng, ông có cho rằng, cán bộ có trách nhiệm chỉ nên “đọc để biết”, hay cần có tiếng nói, trách nhiệm xã hội?
Thực ra, theo tôi, lý tưởng nhất là làm sao để cho mỗi cán bộ, đảng viên trở thành trở thành một kênh thông tin, định hướng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, như tôi đã nói, cái này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm xã hội của cán bộ. Chứ thiếu sự cẩn trọng, thiếu kỹ năng và bản lĩnh chính trị mà lại “xông pha” thì lợi bất cập hại.
Đặc biệt, hiện nay, có một thực tế là nhiều người giỏi, có năng lực hội nhập với xu hướng phát triển của thời đại lại không vào khu vực công. Và trong khu vực công thì nhiều cán bộ có tuổi nên hạn chế trong hiểu biết lẫn sử dụng mạng xã hội. Và không hiểu thì tâm lý né cho “lành”. Và tâm lý “xấu xa đậy lại” như tôi nói. Điều này tạo nên sức ỳ, kìm hãm sự phát triển.
Ở nước ngoài, ví dụ Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Donald Trump (Mỹ) là người sử dụng mạng xã hội, tạo hiệu ứng xã hội rất tốt. Hoặc Bộ trưởng Kim Tiến vừa rồi hát Người con gái sông La trên mạng xã hội cũng nhận nhiều hiệu ứng tích cực. Cho nên, như tôi đã nói mạng xã hội xấu hay tốt là do người sử dụng, chứ không nên sợ hay né mạng xã hội hay facebook.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Sở thông tin và truyền thông (TT&TT) thành phố.
Tại buổi làm việc, nhiều lãnh đạo sở ngành thành phố bày tỏ lo ngại về các thông tin lan truyền trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo, cán bộ cũng như hình ảnh của thành phố trong thời gian qua.
Nói về việc này, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng hiện nay cán bộ của ta đang sợ mạng xã hội, sợ facebook quá.
Ông Nghĩa nói, họ dùng facebook thì mình cũng dùng. Từng này đảng viên chúng ta không nói lại được những người đấy à? Vấn đề chúng ta sử dụng công cụ này như thế nào.
Mai Loan (thực hiện)