Xe máy không phải “thủ phạm” tắc đường
Liên quan đến đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết một trong 2 tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi có thể được chọn để thí điểm hạn chế xe máy. Ở hai tuyến này, người dân có thể sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và hệ thống xe buýt, trong đó có buýt nhanh BRT 01.
Theo ông Viện, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Viện chiến lược của Bộ GTVT xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030. Đề án này là nhiệm vụ thành phố giao cho sở và cũng là một trong những nội dung thực hiện Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP Hà Nội. Đề án phải đảm bảo giải quyết vấn đề phát triển vận tải hành khách công cộng, phân vùng cấm hoặc được hoạt động đối với xe máy, thứ tự thực hiện hạn chế, cấm tại từng địa phương, từng tuyến đường phố cụ thể…
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về giao thông đô thị, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho rằng, việc hạn chế hoặc cấm xe máy để giảm ùn tắc ở các đô thị là không đúng bởi chính ô tô mới là phương tiện gây ra ùn tắc. Khả năng gây ùn tắc hay lượng khí thải của xe máy chỉ bằng 1/5 đến 1/10 xe ô tô. Theo thống kê thì có đến 90% xe ô tô chỉ chở từ 1-2 người. Các vụ tai nạn nghiêm trọng đều do ô tô gây nên. Trong khi giao thông công cộng hiện nay ở Hà Nội chỉ đáp ứng từ 8 đến 10% nhu cầu đi lại của người dân thì việc cấm xe máy là không nên.
“Nếu cấm xe máy một cách cực đoan, máy móc, người dân sẽ cố gắng để mua ô tô. Khi đó thì ùn tắc, ô nhiễm, tai nạn sẽ tăng lên từ 5-10 lần. Hơn nữa, giao thông là một mạng lưới. Cấm 2 tuyến này đồng nghĩa là tạo ra các điểm hẫng, gây ra tình trạng ùn tắc, lộn xộn ở các tuyến đường khác do người dân phải tìm đường tránh. Việc cấm xe máy như vậy là gây thêm ùn tắc chứ không chống được ùn tắc”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Chống ùn tắc phải làm 5 việc
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày ở Hà Nội có hơn 20 triệu chuyến đi. Khi so sánh cùng một chuyến đi giữa một người sử dụng xe máy và một người sử dụng ôtô, lượng phát thải của ôtô thường cao hơn xe máy. Ô tô cá nhân cũng là phương tiện có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao nhất. Nếu chuyển sang ô tô cá nhân thay cho xe máy, ùn tắc giao thông sẽ tăng gấp 5 lần, ô nhiễm môi trường tính trên một chuyến đi cũng sẽ tăng lên. Xu hướng tất yếu là chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng kết hợp cá nhân. Nhưng đó là khi vận tải công cộng phải được nâng cấp về chất lượng và năng lực vận chuyển. Và khi hạn chế xe cá nhân thì phải bao gồm cả ô tô và xe máy.
Để giảm ùn tắc, Hà Nội và TP HCM phải làm đồng bộ song song 5 việc. Thứ nhất là nâng cấp hạ tầng, hiện đại hóa giao thông, mở rộng giao thông cửa ngõ, giải quyết được hơn 30 điểm đen giao thông ở Hà Nội và hơn 50 điểm đen giao thông ở TP HCM. Thứ hai là phát triển giao thông công cộng, đẩy nhanh tiến độ làm các tuyến metro, bố trí các tuyến xe buýt chạy đúng giờ, hợp lý. Giao thông công cộng phát triển thì người dân sẽ tự giác bỏ phương tiện cá nhân. Ba là nâng cấp, đổi mới quản lý Nhà nước về giao thông, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ 4.0 để điều tiết giao thông. Bốn là kiến trúc đô thị phải đổi mới, hạn chế nhà cao tầng trong nội đô và di chuyển cơ quan công sở ra phía ngoài. Cuối cùng là giáo dục, khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng.
“Chỉ cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân khi giao thông công cộng đáp ứng được 40% trở lên nhu cầu đi lại của người dân. Còn nếu xe buýt, tàu trên cao mới chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại mà cấm xe máy thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết việc cấm xe máy trong nội thành sẽ tiến hành theo lộ trình. Trước thời điểm cấm hẳn 2-3 năm, thành phố có thể dừng cấp đăng ký xe máy mới. Ngoài việc cấm xe máy hoạt động trong nội thành, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu việc hạn chế gia tăng ôtô cá nhân bằng một số biện pháp như tăng phí dịch vụ đỗ xe tại khu trung tâm.