"Cấm tiệt" uống rượu, bia khi lái xe

Nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc uống rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nên việc cấm sử dụng chất kích thích này khi lái xe là cần thiết.

Sau rất nhiều tranh luận và cân nhắc, đề nghị "tha thiết" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã được các đại biểu (ĐB) đồng thuận. Điều này cũng có nghĩa là kể từ khi luật này có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, sẽ cấm hoàn toàn việc uống rượu, bia khi lái xe, chứ không phải không được uống vượt mức quy định như hiện hành.

Khác với 2 lần xin ý kiến trước

Sáng 14/6, điều hành nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho biết, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, mong muốn của cử tri gửi đến QH, Ủy ban Thường vụ QH tha thiết đề nghị QH cho bổ sung vào điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nhắc lại QH đã xin ý kiến của ĐBQH 2 phương án về quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật nhưng không đạt được trên 50% ĐHQB tán thành.

"Thông thường, khi một điều luật đã biểu quyết mà không đạt quá bán thì sẽ không được đưa vào luật để QH biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là cần thiết" - bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Khác với 2 lần xin ý kiến trước đó, QH đã thống nhất với việc bổ sung quy định trên vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với kết quả 374/446 ĐB tán thành (77,27%), số ĐB không tán thành là 54/446 (11,16%), không biểu quyết là 18/446 (3,72%). Toàn bộ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được QH thông qua sáng 14/6 với kết 408/450 ĐB tán thành (84,3%).

Cấm tiệt uống rượu, bia khi lái xe - Ảnh 1.

CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông Ảnh: Quang Liêm

Quy định tiến bộ, có tính cảnh báo cao

Là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho rằng, việc đa số ĐBQH bấm nút thông qua dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cho thấy vấn đề rượu, bia được xã hội đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, với việc QH bỏ phiếu riêng về điều luật nghiêm cấm việc "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" (được quy định tại khoản 6 điều 5) là quy định cực kỳ tiến bộ, nghiêm khắc, mang tính cảnh báo về mặt xã hội.

Theo ông Quang, thực tế cho thấy tại những nước phát triển, tỉ lệ người dân sử dụng ô tô chiếm 98%-99%. Ở Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng môtô, xe máy lớn hơn nhiều so với ôtô và là nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu. Điều này cho thấy quan điểm nhất quán và tính quyết liệt của QH trong phòng ngừa tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.

Tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 7 diễn ra chiều 14/6, giải thích về việc hôm 3/6, cả 2 phương án đều không được ĐB lựa chọn "quá bán", Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng có thể là do qua thảo luận các ĐBQH hiểu chưa rõ. Trong quá trình họp đoàn, họp tổ sau đó có trao đổi và giải thích rõ hơn rằng quy định như vậy là muốn tăng nặng hình thức xử lý với vi phạm liên quan đến rượu bia. "Hơn nữa thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu, bia nhiều và phức tạp như vậy nên chúng ta không thể thờ ơ" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về chế tài xử phạt sau khi luật được thông qua, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết tại nghị quyết của kỳ họp được thông qua trong chiều cùng ngày, QH giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông. 

Cấp tỉnh được lựa chọn sách giáo khoa

Ngày 14/6, QH cũng đã biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).

Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK), luật giao UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK giáo dục phổ thông, luật đã quy định hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng, giao bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK. Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua cũng chưa quy định về ngôn ngữ thứ hai. Luật cũng quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

T.Dũng

Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):

Thực thi luật nghiêm sẽ gặp thách thức

Đây là bước tiến đáng ghi nhận. Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được thông qua sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ nhưng các ĐBQH đã bước qua sự lựa chọn về lợi ích kinh tế - xã hội để đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên trên. Đây là luật liên quan đến hành vi, thói quen của người dân, đặc biệt rượu, bia là sản phẩm gây nghiện, cho nên việc điều chỉnh thay đổi hành vi rất khó. Đây là vấn đề thách thức đối với người thực thi luật. Thời gian tới, việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm còn khó khăn hơn cả việc xây dựng luật. Với luật này, cần 5 - 10 năm nữa mới nhìn thấy được hiệu quả.

Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM):

Củng cố chặt quy định xử lý "ma men"

Chén rượu, ly bia sẽ khiến niềm vui nhân đôi nhưng cũng làm nhiều người tan cửa nát nhà, hậu quả nặng nề cho người khác khi sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn. Việc sử dụng rượu, bia gây tai nạn chết người đã được quy định rõ trong Bộ Luật Hình sự với mức án rất nghiêm khắc. Nay việc nghiêm cấm tuyệt đối uống rượu, bia không được lái xe càng củng cố chặt chẽ thêm các quy định của pháp luật trong việc xử lý "ma men".

Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Đẩy mạnh tuyên truyền

Tôi rất mừng khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tế rất khó vì đây là ngành sản xuất siêu lợi nhuận. Trước đây, khi còn đương nhiệm, chúng tôi đã xây dựng dự luật phòng chống tác hại của thuốc lá và luật này đã ra đời mặc dù bị rất nhiều rào cản từ người sản xuất, buôn bán và người sử dụng thuốc lá. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất chịu khó lắng nghe, lấy ý kiến trong đó có lấy ý kiến về vấn đề những người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã chú ý đến yếu tố nhân văn nên sẽ được người dân ủng hộ. Trong thời gian này, chờ luật này có hiệu lực, các cơ quan chức năng cần thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân để luật sẽ bắt kịp cuộc sống.

BS Phạm Thị Hoàng Anh, nguyên Giám đốc Văn phòng HealthBridge Canada, tại Việt Nam:

Khó đạt mục tiêu giảm tiêu dùng rượu, bia

Tôi rất mừng khi luật được thông qua nhưng vẫn băn khoăn vì các quy định để hướng tới mục tiêu giảm tiêu dùng bia, rượu trong luật vẫn còn yếu. Nếu chúng ta không hạn chế người sử dụng rượu, bia và với tốc độ sử dụng rượu, bia tăng "phi mã" như hiện nay, dù có cấm thì lực lượng nào kiểm soát hết?

Có thể giảm được tai nạn giao thông do rượu, bia nhưng số người chết vì mắc các bệnh mạn tính như viêm gan, huyết áp cao, nghiện, trầm cảm... do dùng rượu, bia sẽ khó giảm.

N.Dung - P.Dũng (ghi)

Theo nld.com.vn
back to top