Cầm đồ - ngành dịch vụ “tỷ đô” đang chờ pháp lý

(khoahocdoisong.vn) - Dòng vốn nội và ngoại đang tiếp tục đầu tư đều đặn vào các chuỗi cầm đồ. Sự phát triển của phân khúc tín dụng tiêu dùng quy mô hàng tỷ USD này đang rất lộn xộn, lỏng lẻo, đòi hỏi hành lang pháp lý phải chặt chẽ hơn.

Đã bớt “xám”

Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực cầm đồ vốn phổ biến ở nhiều quốc gia, các nhà đầu tư ngoại không chỉ mang lại nguồn vốn đáng kể, mà còn góp phần cải thiện thị trường tín dụng tiêu dùng cầm đồ còn rất “sơ khai” ở Việt Nam.

Mới đây, quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV) công bố hoàn tất việc đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney (Vietmoney). Quỹ này đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và có nhân sự tham gia vào HĐQT Vietmoney. Trước đó, Vietmoney đã hoàn thành việc gọi vốn ở vòng hạt giống (Pre-seeding) với sự tham gia của quỹ nội địa Indochine và các cá nhân trong nước. Chuỗi cầm đồ Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline), hiện có khoảng 12 chi nhánh hoạt động tại TPHCM và Bình Dương.

Chuỗi cầm đồ F88 cũng vừa thông báo nhận thêm 140 tỷ đồng trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ hai quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak. Năm 2019, các quỹ này định giá F88 xấp xỉ 2.100 tỷ đồng. Trước đó, tháng 2/2020, F88 cho biết hoàn tất đợt phát hành trái phiếu đầu tiên năm 2020, với giá trị gần 50 tỷ đồng.

Người Bạn Vàng là thương hiệu mới trong cuộc đua giành thị phần cho vay cầm cố, với chuỗi 15 cửa hàng ở TPHCM và Bình Dương chỉ sau khoảng một năm hoạt động. Chuỗi này có kế hoạch phát triển lên 200 cửa hàng. Doanh nghiệp có sự hậu thuẫn chiến lược của công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tập trung vào nhóm khách hàng cầm cố trang sức. Các cửa hàng thuộc chuỗi này chủ yếu nằm trong các trung tâm kim hoàn PNJ. 

Với sự gia tăng đầu tư của cả dòng vốn nội và ngoại vào thị trường cầm đồ, phân khúc tín dụng tiêu dùng trị giá hàng tỷ USD này đang trở nên cạnh tranh rất “nóng”. Ngoài các tên tuổi trên, còn rất nhiều chuỗi cầm đồ thu hút được vốn ngoại như: Camdonhanh được quảng cáo là sáng lập bởi quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ); Đồng Shop Sun cũng công bố là có dòng vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản...

Theo thống kê được công bố bởi Forbes Vietnam, số lượng cửa hàng cầm đồ tại Hà Nội xấp xỉ 1.700 và TPHCM khoảng 2.300. Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cơ sở kinh doanh cầm đồ rải rác, hoạt động phân mảnh, lãi suất mỗi nơi một kiểu và mô hình cửa hàng nhỏ manh mún. Tuy nhiên, ngành cầm đồ gần đây đang dần giảm bớt định kiến về lãi suất cao, đòi nợ gắt gao, thay vào đó là những chuỗi uy tín, giao dịch văn minh. Thị trường cầm đồ Việt Nam đang dần bước ra ánh sáng, trở thành mảnh đất đầu tư hấp dẫn.

Một nghiên cứu đưa ra bởi Business Times cho biết, có khoảng 47 triệu người Việt vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và cũng chưa từng tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng. Nếu mỗi người có nhu cầu vay 10 triệu đồng, quy mô của các thị trường có thể đạt mức 23,5 tỷ USD. Xét về tiềm năng thị trường, một báo cáo ước tính quy mô thị trường cho vay tiêu dùng cầm đồ tại Việt Nam có thể đạt từ 20 - 30 tỷ USD.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, hiện chưa có thống kê cụ thể nào, nhưng thực tế các fintech cho vay chảy về thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là sau khi mô hình cho vay ngang hàng tại Trung Quốc sụp đổ. Hiện tại, ngoài các tổ chức tín dụng như ngân hàng hay công ty tài chính, tiệm cầm đồ dễ dàng mang đến “vé thông hành” cho các tổ chức muốn hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tại Việt Nam.

Cần chế tài chặt chẽ hơn

Tiếp nối xu hướng “làm mới” tiệm cầm đồ hiện đại, một dòng vốn “ngầm” cũng chảy vào đây nhưng không phải để hoạt động cầm đồ. Theo đó, nhiều công ty fintech cho vay đã sử dụng mô hình kinh doanh cầm đồ như một công cụ để hợp pháp hóa cho chức năng cho vay tín chấp chuyên nghiệp.

Theo thông tin tại hội thảo về khung pháp lý cho các công ty fintech gần đây do Sở KH&CN TPHCM tổ chức, số lượng app cho vay trực tuyến được ước tính có thể lên tới 150, trong đó nhiều app “ma” hoạt động không giấy phép, không chịu bất kỳ sự quản lý nào của phía cơ quan nhà nước. Bộ Công an cũng đã nhiều lần cảnh báo lừa đảo tín dụng đen qua app cho vay, trong đó có người Trung Quốc tham gia điều hành.

Bà Trương Thị Thu Minh (Công ty Luật Việt và cộng sự) tư vấn pháp lý một công ty fintech (vay trực tuyến) cho biết, có hiện tượng người tiêu dùng vay đến 20 - 30 ứng dụng một lần. Một số kẻ lợi dụng vay trực tuyến như một kênh kiếm tiền vì thủ tục vay dễ dàng và nhanh chóng. Từ đó xuất hiện xu hướng tội phạm mới làm giả hồ sơ vay hay vay tiền rồi bùng nợ. Các nền tảng cho vay cũng khó có thể đi kiện khách hàng dựa trên giao dịch dân sự vì chi phí khởi kiện đắt đỏ trong khi các khoản vay tín chấp thường có quy mô rất nhỏ.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, hoạt động cho vay bao gồm cả cầm đồ và fintech đã hình thành một thị trường cho vay tiêu dùng, nhưng lại thiếu sự quản lý rõ ràng, thiếu giới hạn kinh doanh cụ thể, từ đó dẫn tới sự bát nháo trong hoạt động. Tai tiếng của tín dụng đen hoạt động trong môi trường dẫn đến sự bất ổn chung và gây tai tiếng chung cho cộng đồng fintech cho vay. Hiện giới fintech cho vay đang “ngóng” cơ chế thử nghiệm dành cho fintech (Sandbox). Sau khi lấy ý kiến của các cá nhân và tổ chức, dự thảo về Nghị định cơ chế thử nghiệm này hiện đang trình lên Chính phủ. Các fintech kỳ vọng khi có hành lang pháp lý, họ sẽ chịu sự giám sát của NHNN và có những quy định riêng để không phải sống “bám” vào các tiệm cầm đồ như hiện nay.

Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO thì cho rằng, về nguyên tắc, mọi chi phí đến vay cầm đồ đều phải tính là lãi suất, chứ không phải chi phí ngoài lãi. Hiện do thiếu pháp lý nên các tiệm cầm đồ lách luật cho vay tách lãi suất và các loại phí. Để ngăn chặn “tín dụng đen”, có thể nghiên cứu đưa ra trần lãi suất cho vay (bao gồm cả lãi suất và các loại phí), đưa ra các chế tài xử phạt thật nghiêm tội phạm cho vay nặng lãi. Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch vụ tín dụng, giúp người dân biết đến các kênh tín dụng chính thức cũng như nhận diện tín dụng đen.

Theo Đời sống
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top