Hỏi thì nó tuôn ra một tràng, nào là thi cử thay đổi, thày còn chưa biết dạy như thế nào thì nó biết đằng nào mà học. Nào là thi nặng quá, lại lạc hậu, chứ các nước tiên tiến có như thế đâu. Rồi nó ao ước được đi du học, được thoát khỏi nền giáo dục trong nước để đến với những gì văn minh, tiến bộ trên thế giới…
Nghe chuyện của nó, tôi chỉ nhận thấy một điều rất rõ là nó học kém và không thích học. Còn tất cả những lý do mà nó viện ra chỉ là thứ yếu. Thi cử dù có thay đổi kiểu gì, dù trắc nghiệm hay tự luận thì cốt lõi vẫn phải là kiến thức. Mà kiến thức thì phải có cả quá trình tích lũy chứ không phải một năm lớp 12 là đủ. Nó đã bị hổng kiến thức, đã học kém, chán học… giờ vin vào cái lý do thi cử thay đổi để biện hộ cho mình. Chứ nói thật, kém như nó có đi du học thì cũng vất vả cho bố mẹ vì cứ xác định mang tiền nộp cho nhanh, chứ thi thố gì, học bổng nào cấp cho người học kém như thế.
Các bạn trẻ ngày nay nhiều người rất giỏi. Đặt mục tiêu du học, họ học tốt tiếng Anh từ bé, lại chuẩn bị tốt các kỹ năng để phỏng vấn, tham gia các hoạt động xã hội để viết bài luận, tìm hiểu các thông tin và các trường trên thế giới… Rất tự tin. Họ không có thời gian để chê bai thày cô hay chương trình. Còn những người hay chê thường lại là người không giỏi. Cứ vin vào những cái khách quan để đổ lỗi cho sự kém cỏi, cho thất bại của mình.
Căn bệnh này giờ rất phổ biến. Học kém thì lại cứ đổ tại cho chương trình giáo dục không hay, giáo viên dạy chán, nhà trường lạc hậu, xã hội nhiều tiêu cực… Tại sao không tự hỏi cũng chương trình đấy sao các bạn khác học giỏi, thi đỗ điểm cao, tha hồ chọn trường, còn mình lại lẹt đẹt mãi, bố mẹ phải đến trường xin xỏ? Sao bạn kia có học bổng đi du học, còn mình vẫn thi IELTS mãi không được?
Đúng là vẫn còn những điều chưa phù hợp, cần phải thay đổi, nhưng cái chính vẫn phải là sự nỗ lực của bản thân mỗi người. Đừng bám vào mấy cái lý do tiêu cực như bám vào cái phao rồi mặc cho cuộc đời mình trôi nổi trong sự chán chường.
Minh Anh