Cadivi vay hàng nghìn tỷ đồng không thế chấp tài sản, khả năng thanh khoản ngắn hạn không có

(khoahocdoisong.vn) - Công ty Cổ phần cáp điện Việt Nam (Cadivi) đã công bố BCTC quý 2/2020, ghi nhận mức lãi sau thuế 195 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Vay nợ tăng mạnh trong quý 2. Ngạc nhiên hơn, Cadivi có thể vay tín chấp hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian rất ngắn mà không cần tài sản đảm bảo.

Mặc dù doanh thu thuần trong kỳ đạt 4.512 tỷ đồng, tăng 8,1% (tương ứng với 340 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá vốn cũng như chi phí bán hàng lần lượt tăng 9,4% và 39% khiến lợi nhuận thuần giảm. Đặc biệt, chi phí tài chính tăng 38%, tương ứng tăng 28 tỷ so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn là chi phí lãi vay với 62 tỷ đồng, tăng 80%. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Cadivi trong 6 tháng đầu năm, giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 240 tỷ đồng.

Trong 6 tháng qua, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Cadivi bị âm hơn 404 tỷ đồng, do các khoản phải thu và tiền trả lãi vay tăng lên. Tiền mặt giảm còn 56 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 132 tỷ đồng hồi đầu năm.

Cạn tiền, Cadivi bù đắp dòng tiền nhờ hoạt động tài chính, ghi nhận từ những khoản đi vay. Doanh thu tài chính của Cadivi vì thế tăng hơn gấp đôi, đạt 446 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính cùng kỳ năm trước chỉ là 200 tỷ đồng.

Trong quý 2/2020, Cadivi tăng cường vay vốn ngân hàng, với các khoản vay ngắn hạn (dưới 1 năm) lên tới 1.799 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm 2020. Chỉ riêng trong tháng 6, Cadivi vay ngân hàng khoảng 1.600 tỷ đồng. Hầu hết các khoản vay này là vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay khá thấp 4,10% -5%.

Tính đến 30/6/2020, chủ nợ lớn nhất của Cadivi là VietinBank với hơn 500 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với 299 tỷ đồng, VietcomBank với 198 tỷ đồng (Cadivi có khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 2.178 tỷ đồng vào Vietcombank nên việc vay tín chấp từ ngân hàng này là dễ hiểu!).

Cadivi cũng rất “hướng ngoại” khi vay tín chấp từ một loạt ngân hàng nước ngoài như: Ngân hàng BNP Paribas (vay 218 tỷ đồng), Bank of China Hongkong (vay 50 tỷ đồng), Maybank (vay 37,7 tỷ đồng), CTBC (vay 88,5 tỷ đồng)…

Việc bù đắp dòng tiền từ đi vay trong hoạt động tài chính chỉ là một giải pháp tình thế. Dòng tiền âm trong kinh doanh nếu không sớm được giải quyết triệt để, sẽ là một trở ngại lớn cho Cadivi trong thời gian tới, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ.

Điều này đã được chứng minh, khi hệ số khả năng chi trả nợ ngắn hạn từ lưu chuyển tiền thuần của Cadivi trong quý 1/2020 ở mức âm 2,5%, trong quý 2/2020 là âm 0,24%.

Theo Đời sống
back to top