Cách tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ngoại độc tố dẫn đến nghẹt thở, nhiễm độc toàn thân gây liệt thần kinh, viêm phổi, trụy tim mạch và tử vong.Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu quan trọng và hiệu quả nhất.

Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, làm ảnh hưởng đến mũi, vòm họng và thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục.

Vi khuẩn sản sinh ngoại độc tố khiến giả mạc phát triển bất thường trong cổ họng, nếu giả mạc phát triển nhanh chóng có thể dẫn đến nghẹt thở.

Ngoại độc tố bạch hầu khi ngấm vào máu sẽ gây nhiễm độc toàn thân, gây liệt dây thần kinh sọ não, dây thần kinh cảm giác, dây thần kinh vận động ngoại biên, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm phổi do liệt cơ hoành, liệt tay, liệt chân và dẫn đến tử vong đột ngột do trụy tim mạch.

Bệnh Bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh. Miễn dịch sau tiêm vắc xin liều cơ bản có thể kéo dài được vài năm và giảm dần theo thời gian nên cần tiêm nhắc lại.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu quan trọng và hiệu quả nhất.

Trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng

Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều (thường kết hợp trong vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1):

- Mũi 1: lúc 2 tháng tuổi;

- Mũi 2: lúc 3 tháng tuổi;

- Mũi 3: lúc 4 tháng tuổi.

Tiêm 3 mũi nhắc lại

- Mũi 4: tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu nguyên liều, lúc 18 - 24 tháng tuổi.

- Mũi 5: tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 - 7 tuổi.

- Mũi 6: tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 - 15 tuổi.

Trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng

Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều):

- Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt;

- Mũi 2 tiêm cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần;

- Mũi 3 tiêm cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng.

Tiêm 2 MŨI NHẮC LẠI vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều). Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.

ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Bộ Y tế)

Theo VietnamDaily
back to top