Cách chăm sóc người bệnh sau mổ ung thư khoang miệng bằng vi phẫu

Ung thư vùng hàm mặt đặc biệt là ung thư khoang miệng có tỷ lệ xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Sau phẫu thuật cắt triệt để khối u bệnh nhân phải tạo hình che phủ. Việc chăm sóc và dinh dưỡng rất quan trọng để hồi phục.

Ung thư vùng hàm mặt đặc biệt là ung thư khoang miệng có tỷ lệ xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Phẫu thuật cắt triệt để khối u để lại tổn khuyết ảnh hưởng đến chức năng cũng như là thẩm mỹ của người bệnh, cần phải tạo hình che phủ bằng các vạt da, xương tự do được lấy từ các vùng khác của cơ thể như chân, tay, bụng, lưng.

Phẫu thuật viên tạo hình sử dụng kính hiển vi và kỹ thuật vi phẫu để nối mạch máu nhằm tái lập cấp máu nuôi dưỡng vạt da. Khoa Phẫu thuật Tạo hình và vi phẫu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là đơn vị thường xuyên tiếp nhận điều trị cho nhiều người bệnh ung thư khoang miệng và tạo hình bằng vạt vi phẫu.

Công tác theo dõi và chăm sóc người bệnh sau mổ của điều dưỡng tại khoa góp phần đảm bảo thành công cho ca bệnh. Để thực hiện tốt công tác này, sau đây là một số điểm cần lưu ý.

Theo dõi người bệnh và vạt:

Chức năng đường thở: vạt vi phẫu vùng khoang miệng có nguy cơ phù nề chèn ép đường thở cao, do đó cần theo dõi sát chức năng hô hấp trong những ngày đầu.

Huyết động: cần đảm bảo duy trì lưu lượng dòng máu, tránh để huyết áp tâm thu thấp dưới 120mmHg gây tưới máu vạt kém và nguy cơ tắc mạch mối nối.

Tư thế người bệnh: vị trí nối mạch máu thường nằm vị trí bờ hàm và cổ một bên, cần duy trì tư thế cổ bệnh nhân trong những ngày đầu đảm bảo không căng hoặc gập cuống vạt, bên cạnh đó không ảnh hưởng đến hô hấp của bệnh nhân.

Vạt da: Theo dõi tưới máu vạt da qua các dấu hiệu về màu sắc, nhiệt độ, trương lực, refil của vạt giúp phát hiện các bất thường về cuống mạch và xử lý kịp thời. Quy trình theo dõi vạt diễn ra 3 tiếng/lần trong 24h đầu, 6 tiếng/lần trong 24-72h sau mổ, và 12 tiếng/lần trong 72h sau mổ.

Chăm sóc người bệnh sau mổ vi phẫu - Ảnh BVCC

Chăm sóc người bệnh sau mổ vi phẫu - Ảnh BVCC

Chăm sóc người bệnh:

Thay băng: cần duy trì thay băng hằng ngày và đảm bảo vô khuẩn vị trị nơi cho vạt và nơi nhận vạt trong tuần đầu tiên sau mổ, đây là thời điểm vết mổ chưa kín hoàn toàn nguy cơ nhiễm trùng cao. Phát hiện và xử lý sớm khi có tụ dịch, tụ máu vết mổ.

Vệ sinh khoang miệng: Khi phẫu thuật liên quan trong miệng, thì việc chăm sóc răng miệng, lưỡi để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, rò vết mổ là rất cần thiết.

Hút đờm dãi: các vạt da tạo hình khoang miệng thường gây tăng tiết đờm dãi, cần hút dịch đờm dãi khoang miệng thường xuyên tránh nguy cơ nhiễm trùng và ảnh hưởng hô hấp.

Nuôi dưỡng qua sonde dạ dày: Chú ý chăm sóc nuôi dưỡng qua sonde dạ dày để không gây bám đọng thức ăn khoang miệng. Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ các thành phần, đặc biệt là đạm, kẽm, các vitamin nhằm bồi phụ cho người bệnh sau mổ, thúc đẩy nhanh quá trình liền thương.

Nhiệt độ phòng: tránh để phòng bệnh quá lạnh nguy cơ co mạch ngoại vi gây tắc mạch mối nối mạch.

Cử nhân điều dưỡng Lê Thị Hải Yến

Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Theo Đời sống
Cách giảm nếp nhăn rõ rệt

Cách giảm nếp nhăn rõ rệt

Nếp nhăn luôn là nỗi ám ảnh với phụ nữ, nó làm chị em trông già đi. Hãy thực hiện những cách sau, bạn sẽ ngạc nhiên vì hiệu quả giảm nếp nhăn rõ ràng.
back to top