Ông Trần Quang Tuấn phát biểu tại hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ôngTrần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN nhận định, truyền thông KH&CN góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, của các tầng lớp xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN.
Đồng thời thông qua truyền thông, các thành tựu KH&CN, mô hình ứng dụng và đổi mới công nghệ góp phần nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả của sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống được truyền tải tới công chúng.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ, đó là truyền thông về các cơ chế, chính sách mới về hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn. Nội dung, hình thức truyền thông về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ chưa được đổi mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, Trường đại học, nhà khoa học… chưa thực sự chủ động trong hoạt động truyền thông về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Chưa có cơ chế cung cấp thông tin định kỳ về kết quả ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Toàn cảnh hội thảo
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc sở KH&CN Đà Nẵng cho rằng, thực tế các nhà khoa học không muốn nói về mình, nên đôi khi truyền thông còn hạn chế vì không có đủ thông tin. Kinh phí ít cũng là một hạn chế của công tác truyền thông KH&CN. Cần đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông để thúc đẩy việc đưa các kết quả nghiên cứu tới cộng đồng, từ đó những đơn vị có nhu cầu mới biết để ứng dụng.
Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cũng khẳng định vai trò của truyền thông KH&CN vô cùng quan trọng. Hoạt động thông tin, truyền thông góp phần đẩy nhanh ứng dụng và đổi mới công nghệ tới thực tiễn góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.
Truyền thông cũng góp phần tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ. Khuyến khích, hỗ trợ và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động KH&CN.
Bảo Khánh