Các ngân hàng đều dư thừa tiền, trừ TPBank

(khoahocdoisong.vn) - Đặc điểm chung nổi bật của hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2020 là dư thừa trong tiền đồng, thanh khoản dồi dào. Duy nhất chỉ có Ngân hàng Thương mại Cổ Phần Tiên Phong (TPBank) ngược lối với thanh khoản yếu, dòng tiền hao hụt do tăng trưởng tín dụng nóng trong nhiều năm.

Thanh khoản ngân hàng yếu

TPBank đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2020, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.365 tỷ đồng, giảm 6,8% so với quý 4/2019. Một nguyên nhân quen thuộc để ban lãnh đạo ngân hàng giải trình cho kết quả đi xuống là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, tính chung cả 12 tháng, lợi nhuận trước thuế của TPBank vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định 13% so với năm 2019 và vuợt 7,9% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra. Mức tăng lợi nhuận này được đóng góp chủ yếu từ thu nhập lãi thuần và hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng lần lượt 29,4% và 827% so với năm ngoái.

Đáng chú ý là, trong khi dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng năm 2020 được nhận định ở mức thấp. Tính đến ngày 21/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 10,16%. Đến ngày 31/12, dư nợ tín dụng toàn ngành bứt tốc đạt 12,13%. Riêng TPBank vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng tín dụng cao là 25,5%.

TPBank vốn được biết là một trong những ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn. Thậm chí, năm 2009, dư nợ tín dụng của TPBank còn tăng 1060% so với năm 2008. Những năm sau đó, tăng trưởng tín dụng liên tục đạt ngưỡng từ 66-99% (trừ năm 2011 là âm 30%).

Từ năm 2018, TPBank có dấu hiệu phanh đà tăng nóng của dư nợ tín dụng xuống mức 22 - 25%. So với mặt bằng chung, tốc độ tăng trưởng tín dụng của TPBank vẫn là khá cao.

Song song với tăng trưởng quá cao sẽ luôn có rủi ro thanh khoản đi kèm, đồng nghĩa thanh khoản ngân hàng giảm, hao hụt tiền đồng trong ngân hàng. Bằng chứng là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TPBank trong những năm gần đây “trồi sụt” khá thất thường. Năm 2018, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bị âm hơn 5.120 tỷ đồng, nhưng bất ngờ tăng lên 8.756 tỷ đồng vào năm 2019, rồi lại lao dốc xuống âm 12.485 tỷ đồng trong năm 2020.

Nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của TPBank bị âm là do ngân hàng tăng cho vay khách hàng nhiều và tập trung dồn tiền để đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Để bù đắp cho dòng tiền bị hao hụt, TPBank đã tích cực phát hành các loại giấy tờ có giá (trái phiếu). Cụ thể, trong năm 2020, TPBank đã phát hành số lượng giấy tờ có giá lên tới 27.439 tỷ đồng, tăng 90,2% so với năm 2019. Chiếm 75,5% tổng giá trị của số trái phiếu trên có kỳ hạn từ 1 - 5 năm (17.970 tỷ đồng). Số lượng trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm đạt 5.669 tỷ đồng. Còn lại là trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm.

Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu dài hạn, có đủ điều kiện tính vào vốn tự có được 4.328 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu được này không đủ lớn để cân bằng dòng tiền lưu chuyển thuần trong năm của TPBank, do đó lưu chuyển tiền thuần vẫn bị âm 8.444 tỷ đồng.

Nợ xấu tiềm ẩn, đẩy rủi ro cho tương lai

Tăng trưởng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu của TPBank trong năm 2020 lại khá tích cực khi chỉ chiếm 1,18% tổng dư nợ cả năm, thấp hơn mức 1,29% của năm 2019. Điều này dễ hiểu là do nhiều khoản nợ đã được gia hạn và tái cơ cấu nhóm nợ, không bị chuyển nhóm nhờ Thông tư 01. Thông tin bổ sung, trong năm 2020, TPBank đã chi 1.087 tỷ đồng từ khoản dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Tuy tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp và giảm, nhưng TPBank vẫn thận trọng tăng chi phí trích lập dự phòng lên tới 1.906 tỷ đồng, tăng 58% so với năm ngoái. Chưa kể lãi dự thu của ngân hàng này là 1.677 tỷ đồng, tăng 28% so với thời điểm đầu năm. Điều này cho thấy, TPBank lường trước được nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm tới do tăng trưởng tín dụng cao và thời hạn giãn nợ, cơ cấu lại nợ kết thúc.

Hiện, ngân hàng vẫn đang tiếp tục tiến hành rà soát và xây dựng “Kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020-2021” theo yêu cầu của NHNN.

Về phần tài sản có khác ghi nhận giá trị 10.883 tỷ đồng từ Khoản phải thu khác trong BCTC, không thấy TPBank diễn giải cụ thể vể khoản này. Theo như phần diễn giải của BCTC năm 2019 có kiểm toán, phần tài sản này bao gồm các khoản phải thu từ dịch L/C trả chậm và các hợp đồng bán nợ chưa thu được. Những khoản phải thu này chứa nhiều nghi vấn liên quan đến nợ xấu được ẩn giấu mà KH&ĐS đã đề cập đến trong bài trước đây.

Ngoài ra, TPBank cũng rất tích cực trong việc mua lại các khoản nợ trị giá hơn 1.043 tỷ đồng. Theo thuyết minh trong BCTC, các khoản mua nợ này đều thuộc kỳ hạn trung và dài hạn, là nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1). Nhờ đó, tổng dư nợ của TPBank cũng tăng lên đáng kể, đóng góp không nhỏ cho tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Tất nhiên, chi phí lãi của TPBank sẽ phải cao hơn, vì không ai bán lại nợ cho TPBank mà không “kiếm” lãi suất chênh lệch.

Không chỉ tăng chi phí trích lập rủi ro cho vay khách hàng, TPBank cũng tăng cường dự phòng cho các khoản đầu tư khác như chứng khoán đầu tư, hoạt động mua nợ. Theo đó, tổng chi phí dự phòng rủi ro của TPBank đã trích lập trong năm 2020 khá cao, kéo giảm hơn 40% lợi nhuận thuần của ngân hàng.

Theo Đời sống
back to top