Các mắt xích trong vụ giả mạo VTV lừa đảo người tiêu dùng

(khoahocdoisong.vn) - Sau nhiều ngày tìm hiểu thông tin về mạng lưới Đông y mạo danh VTV và các viện nghiên cứu để bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang, Phúc Trĩ An, PV Khoa học & Đời sống lần theo mắt xích quan trọng chuyên thực hiện các clip lừa đảo này có tên Ladipage…

Dịch vụ "vẽ" website lừa đảo

Lần theo dấu vết của các trang web lừa đảo mà nhiều người thường gọi là ladipage hay web ma trận. PV Khoa học & Đời sống tiếp cận trung tâm có tên Ladipage với website Ladipage.vn. Trang web này giới thiệu là Công ty CP Công nghệ Ladipage Việt Nam, địa chỉ tại tầng 24, Toà nhà MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội.

Công ty Cổ phần Công nghệ Ladipage Việt Nam liên quan đến việc xây dựng các website quảng cáo trái phép

Công ty Cổ phần Công nghệ Ladipage Việt Nam liên quan đến việc xây dựng các website quảng cáo trái phép

Theo tìm hiểu của Khoa học & Đời sống, địa chỉ này chính là trung tâm thực hiện các website có nội dung liên quan đến nhóm Đông y lừa đảo mạo danh VTV và các viện nghiên cứu để bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang và Phúc Trĩ An cũng như hàng loạt sản phẩm khác.

Mạng lưới lừa đảo có tên Đông y Gia truyền Việt Nam thực hiện các chiến dịch quảng cáo rầm rộ nhưng cơ quan chức năng không có các biện pháp xử lý, bảo vệ người tiêu dùng.

Mạng lưới lừa đảo có tên Đông y Gia truyền Việt Nam thực hiện các chiến dịch quảng cáo rầm rộ nhưng cơ quan chức năng không có các biện pháp xử lý, bảo vệ người tiêu dùng.

Theo giới thiệu trên website Ladipage.vn, đơn vị này cung cấp nền tảng thiết kế cho nhà quảng cáo, giúp các nhà quảng cáo sử dụng miễn phí kho giao diện của Ladipage, chỉnh sửa thông tin và xuất bản với tên miền riêng. Ladipage cũng tích hợp các tính năng kết nối với mạng xã hội, cung cấp dữ liệu chuyển đổi để khách hàng quản lý hiệu quả chiến dịch quảng cáo.

Lưu ý là Ladipage chủ yếu thiết kế, lên nội dung rồi hoàn thiện trang web theo yêu cầu của khách hàng với giá rẻ.

Để làm một ladipage, chỉ cần liên hệ với số điện thoại trên website ladipage.vn, sau đó, nhân viên công ty sẽ gọi điện tư vấn thiết kế mẫu và nội dung sơ bộ rồi gửi cho khách hàng. Sau khi khách hàng chỉnh sửa nội dung quảng cáo và gửi thông tin ID web thì Ladipage sẽ tiến hành upload dữ liệu hoạt động.

Liên quan đến mạng lưới Đông y giả mạo VTV và các Viện nghiên cứu để lừa gạt khách hàng, có một chi tiết đáng lưu tâm là các địa chỉ web này đều liên quan đến Ladipage.vn. Theo tìm hiểu của Báo Khoa học & Đời sống, Ladipage hoạt động thực hiện các quảng cáo trái phép với giá dịch vụ rất rẻ. Cụ thể, giá thiết kế web, chụp ảnh sản phẩm, dựng code sẽ có chi phí 3,8 triệu đồng và miễn phí server 2 tháng. Hết 2 tháng khuyến mãi, khách hàng chỉ phải bỏ ra số tiền 2,5 triệu đồng nữa để duy trì hoạt động cho website.

Cách thức tổ chức chiến dịch quảng cáo trái phép

Sau khi các website được Ladipage được hoàn thành, mạng lưới Đông y Gia truyền Việt Nam tổ chức các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội từ Facebook, Zalo cho đến Google… 

Bản tin VTV bị cắt ghép khiến nhiều bệnh nhân "sập bẫy"

Bản tin VTV bị cắt ghép khiến nhiều bệnh nhân "sập bẫy"

Với các nội dung thông tin dối trá, đánh cắp clip của VTV và các viện nghiên cứu nổi tiếng đã khiến nhiều người dân “sập bẫy”.

Khi tư vấn khách hàng, nhóm Đông y lừa đảo cũng không ngừng nhấn mạnh: “Sản phẩm uy tín đã được Đài truyền hình Việt Nam đưa tin”.

Ngoài việc “đánh cắp” các bản tin của VTV, nhiều clip còn công khai giả mạo các chương trình thời sự với logo CTV5, CNN, báo sức khoẻ đời sống… (Điều đáng nói là CNN là hãng tin nước ngoài) Các clip này được dựng tại trường quay, do biên tập viên đọc khiến nhiều người hiểu nhầm clip đó là của các đài truyền hình nhà nước thực hiện.

Chưa nói đến việc sử dụng các bản tin thời sự để quảng cáo có được Bộ TT&TT cấp phép hay không. Nhưng các nội dung không đúng sự thật được tung ra quảng cáo đã gây mất niềm tin của người tiêu dùng đối với lĩnh vực dược – đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Điểm đáng chú ý trong sự việc này đó là các thông tin lừa đảo được quảng cáo công khai, rầm rộ, tổ chức xây dựng các website lừa đảo cũng rõ ràng nhưng cơ quan chức năng từ Bộ Y tế, Công an cho đến Bộ TT&TT chưa đưa ra biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Báo Khoa học & Đời sống tiếp tục thông tin

Theo Đời sống
back to top