Bụi mịn gây hại nhiều hơn rác thải nhựa

(khoahocdoisong.vn) - Vùng nào có nhiều ô nhiễm bụi mịn thì tuổi thọ sẽ giảm đi 2 năm so với tuổi thọ trung bình. Tác động của bụi mịn cao hơn tác hại của thuốc lá hay tai nạn giao thông. So với rác thải nhựa, nó nguy hại hơn từ 2 - 10 lần.

Bụi mịn – “kẻ giấu mặt” đáng sợ

Nhân ngày Môi trường Thế giới, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển Pháp (IRD) và Tổ chức Live & Learn tổ chức buổi tọa đàm “Ô nhiễm bụi mịn: Mặt tối của hoạt động con người”. Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề khí thải sau quá trình đốt (tác nhân chính gây ô nhiễm không khí) và tổng hợp những nghiên cứu về bụi mịn đến thời điểm này (nguồn gốc, chu trình, tác động đến sức khỏe, khí hậu, và hệ sinh thái, các biến động lịch sử và toàn cảnh quá trình phát thải, các điểm nóng phát thải).

TS Xavier Mari, nhà sinh địa hóa học, Viện Hải dương học thuộc Địa Trung Hải (MIO)/IRD, chuyên gia về chu trình của carbon và tác động của ô nhiễm bụi mịn đến các quá trình đại dương – khí hậu cho hay, bụi mịn không phải là vấn đề mới. Theo các nghiên cứu, hàm lượng bụi mịn tăng tác động đến hệ tim mạch rất lớn, gây tai biến, ung thư phổi, ung thư vú... nguy cơ gây ung thư cao hơn, đặc biệt là trong các thành phố lớn.

Kích cỡ của hạt bụi thể hiện khả năng xâm nhập vào cơ thể theo nguyên tắc càng nhỏ càng nguy hiểm. Bụi PM 10 chỉ xâm nhập được phía ngoài hệ hô hấp, PM 5.0 sẽ xâm nhập được mức độ sâu hơn sau đó đến PM2.5. Loại bụi PM 0.1 có thể xâm nhập vào đến hệ tim mạch, len lỏi vào các mạch máu. Hiện nay các loại bụi mịn trong không khí từ hoạt động của con người hầu hết đều có kích cỡ nhỏ hơn PM 10.

Nguy hại nhất là loại bụi mịn PM 0.1 có kích cỡ tương đương với virus, chúng ta không quan sát được. Đó là loại hạt có thể xâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn, các mạch máu nhỏ, có nguy cơ lớn nhất với sức khỏe của con người. Mỗi loại hạt bụi có tác động đến sức khỏe khác nhau, đó là tác động tổng hòa, khi chúng phối hợp với nhau thì mức độ nguy hiểm cao hơn. Loại hạt bụi từ đốt các loại nhiên liệu là hạt bụi có mức độ nguy hại cao nhất.

Tuổi thọ giảm khi sống ở vùng ô nhiễm

TS Xavier Mari cho hay, châu Á là nơi phát thải bụi mịn nhiều nhất. Ở Việt Nam, vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông là nơi phát thải bụi mịn (hay còn gọi là muội than) nhiều nhất, muội than tác động khá lớn đến sức khỏe. PM2.5 là nguyên nhân gây ra tử vong của 5% các bệnh liên quan đến phổi, 5% các bệnh về não và 5% các bệnh về tim mạch. Vùng nào có nhiều ô nhiễm bụi mịn thì tuổi thọ sẽ giảm đi 2 năm so với tuổi thọ trung bình, tác động của bụi mịn cao hơn tác hại của thuốc lá hay tai nạn giao thông. Bụi PM2.5 gây ra 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á,bản đồ phát thải và bản đồ tỷ lệ tử vong tính theo km vuông cân bằng với tỷ lệ phát thải. Khu vực châu thổ sông Hồng, từ 60 - 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm bụi mịn. Tác hại của bụi mịn gấp từ 2 - 10 lần so với rác thải nhựa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia trong việc mô hình hóa lập bản đồ ô nhiễm không khí, báo cáo 2018 Việt Nam xếp hạng 132/180 quốc gia, Việt Nam đang chịu ô nhiễm bụi mịn cao, số ngày PM2.5 vượt chuẩn cao. Phân bố ô nhiễm không khí ở Việt Nam, miền Bắc có ô nhiễm không khí cao hơn miền Nam, khu đô thị có mức ô nhiễm không khí cao hơn các khu vực nông thông. Mức độ ô nhiễm bụi mịn ở thành phố cao hơn nông thôn 1,49 lần. Ô nhiễm thay đổi theo mùa, cao hơn các tháng mùa đông và thấp hơn các tháng hè.

Nguồn phát thải chính của ô nhiễm không khí, từ cháy rừng, giao thông, công nghiệp, làng nghề, xây dựng, đốt rơm rạ. Theo các nghiên cứu về ô nhiễm không khí chưa nhiều, từ 1990 - 2015 thì số người chết vì ô nhiễm không khí tăng, số người nhiễm các bệnh hô hấp cũng tăng… Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải cùng hành động ngăn chặn các nguồn phát thải, bảo vệ bầu khí quyển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, vì sức khỏe của con người.

Theo Đời sống
back to top